1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nhà đầu tư nước ngoài kêu bị "lật kèo" khi ưu đãi đầu tư

(Dân trí) - Theo phản ánh của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trên thực tế, có nhiều trường hợp doanh nghiệp đã được cấp giấy phép với mức ưu đãi cụ thể và đã thực hiện theo đúng nội dung ưu đãi này nhưng khi cơ quan thuế vào kiểm tra, cơ quan thuế lại từ chối áp dụng, phủ nhận những ưu đãi mà doanh nghiệp đã được cấp.

Nhà đầu tư nước ngoài phản ánh không được ưu đãi như cam kết tại phép đầu tư.
Nhà đầu tư nước ngoài phản ánh không được ưu đãi như cam kết tại phép đầu tư.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2018 vừa diễn ra, Nhóm Công tác Thuế/ hải quan của VBF đã có báo cáo về những bất cập trong việc thực thi chính sách thuế và hải quan ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.

Đáng lưu ý, tại báo cáo này, Nhóm công tác cho hay, đối với nhà đầu tư, các loại Giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp có ý nghĩa như một bản cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với nhà đầu tư. Đây là tài liệu quan trọng đảm bảo cho hoạt động đầu tư của họ vào Việt Nam.

"Pháp luật đầu tư luôn khẳng định nguyên tắc bảo hộ đầu tư, theo đó trường hợp quy định mới có ưu đãi đầu tư thấp hơn so với mức ưu đãi đã được quy định tại giấy phép, nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định như đã nêu tại giấy phép", báo cáo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trên thực tế, có nhiều trường hợp doanh nghiệp đã được cấp giấy phép với mức ưu đãi cụ thể và đã thực hiện theo đúng nội dung ưu đãi này nhưng khi cơ quan thuế vào kiểm tra, cơ quan thuế lại từ chối áp dụng, phủ nhận những ưu đãi mà doanh nghiệp đã được cấp.

"Trong một số trường hợp, cơ quan thuế cho rằng cơ quan cấp phép đã làm sai khi cấp những ưu đãi đó cho nhà đầu tư nhưng lại yêu cầu doanh nghiệp nộp số thuế bổ sung, lãi chậm nộp và thậm chí còn yêu cầu doanh nghiệp nộp phạt do kê khai sai thuế", Nhóm công tác của VBF cho hay.

Từ phương diện nhà đầu tư, họ cho rằng, Chính phủ đã không thực hiện đúng như cam kết, không tôn trọng nguyên tắc bảo hộ đầu tư, và cho rằng cơ quan thuế đang bắt doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, chịu thiệt hại đối với lỗi sai do chính cơ quan chính phủ gây ra.

"Những tình huống như vậy thường gây bức xúc lớn và mất lòng tin của các nhà đầu tư, họ sẽ lên tiếng tại các diễn đàn và cộng đồng các nhà đầu tư, theo đó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư và khả năng thu hút các nhà đầu tư mới. Thực tế là có những trường hợp gây khiếu kiện kéo dài", báo cáo nêu.

Theo đó, Nhóm công tác Thuế/hải quan đề xuất, trường hợp cơ quan Nhà nước Việt Nam cấp phép ghi sai ưu đãi thuế trên Giấy chứng nhận đầu tư thì đó nên là trách nhiệm của cơ quan cấp phép, doanh nghiệp không nên vì vậy mà bị buộc phải gánh hậu quả.

Theo đó, việc ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nên được thực hiện theo giấy chứng nhận đầu tư đã cấp nếu đã đảm bảo điều kiện được hưởng ưu đãi. Trường hợp cơ quan cấp phép rà soát thấy giấy chứng nhận đầu tư cấp bị sai thì nên có giải thích với nhà đầu tư để sửa đổi điều khoản ghi sai.

Nhóm công tác cũng nhắc tới vấn đề tôn trọng cam kết của Chính phủ Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo phản ánh của Nhóm công tác, trên thực tế, ưu đãi của một số nhà đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam nhưng lại bị bác bỏ, mặc dù giấy phép đã ghi rõ trên đó các ưu đãi đầu tư (kể cả ưu đãi thuế Thu nhập Doanh nghiệp (TNDN)).

"Những ưu đãi trên giấy chứng nhận đầu tư hoàn toàn phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam khi gia nhập WTO. Đây thực sự là một vấn đề lớn vì nhà đầu tư luôn tin tưởng rằng giấy chứng nhận đầu tư được cấp hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam là văn bản pháp lý cao nhất liên quan đến việc thành lập và hoạt động của dự án, thể hiện sự cam kết từ phía Nhà nước Việt Nam", báo cáo nhấn mạnh.

Ngoài ra, Nhóm công tác cũng cho biết, đây là vấn đề đang vướng mắc của một số nhà đầu tư, nhưng dường như cơ quan thuế mới chỉ xem xét cho một vài nhà đầu tư từ một số quốc gia, chứ chưa giải quyết đồng bộ và nhất quán vấn đề này.

"Điều này đi ngược với Nguyên tắc tối huệ quốc được quy định cụ thể tại Luật Đầu tư 2005 và tại Luật Đầu tư 2014 hiện hành, cụ thể là “Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế”, báo cáo nêu rõ.

Phương Dung

Nhà đầu tư nước ngoài kêu bị "lật kèo" khi ưu đãi đầu tư - 2