1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nhà đầu tư điện gió than "rất đau khổ", muốn được công bằng hơn

(Dân trí) - Ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cho rằng điện gió thân thiện hơn nhiều nhưng lại chịu nhiều thiệt thòi trong thời gian qua. Thậm chí, hiện đang là mùa gió tốt nhưng bị cắt 61%, chỉ chạy 39%.

Nhà đầu tư điện gió than rất đau khổ, muốn được công bằng hơn - 1
Ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cho rằng điện gió thân thiện hơn nhiều nhưng lại chịu rất nhiều thiệt thòi trong thời gian qua.

Phát biểu tại Hội nghị các nhà đầu tư điện gió chiều 13/1, đại diện Ban thị trường điện (EVN) cho biết Tập đoàn này đã ký với 40 dự án điện gió, tập trung ở Bình Thuận, Ninh Thuận.

Trong đó có 9 dự án đã vận hành thương mại và 31 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) nhưng chưa đi vào vận hành thương mại.

Hiện có 59 dự án đã bổ sung quy hoạch đến 2025 nhưng chưa ký PPA với EVN với tổng công suất khoảng 2700MW.

Đối với các dự án đã bổ sung quy hoạch nhưng chưa ký PPA, đại diện EVN đề nghị các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với EVN để đàm phán các thỏa thuận và PPA đặc biệt là các khu vực giải tỏa tốt, có thể đẩy nhanh tiến độ vận hành thương mại (COD) trước 11/2021.

Còn đối với các dự án đang chờ bổ sung quy hoạch, đại diện EVN đề nghị Bộ Công Thương ưu tiên xem xét các dự án bổ sung quy hoạch các dự án đảm bảo khả năng giải tỏa công suất để có thể triển khai phát triển dự án và COD 2021.

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cho rằng điện gió thân thiện hơn nhiều nhưng lại chịu rất nhiều thiệt thòi trong thời gian qua, chẳng hạn như về giá mua điện.

Trước đây giá điện gió chỉ 7,8 cent/kWh nhưng sau nhiều đấu tranh, kiến nghị thì giá lên được 8,5 cent, ông Thịnh cho biết. Tuy nhiên, 10 năm nay phát triển điện gió cầm chừng do giá chưa đủ hấp dẫn.

Trong khi đó theo ông Thịnh, các dự án nối lưới trong đó có 3 dự án ở Bình Thuận, Ninh Thuận đang phải chịu chung cảnh cắt giảm công suất cùng các dự án điện mặt trời trên địa bàn.

“Chúng tôi kiến nghị EVN cố gắng đưa điện gió ra khỏi danh sách cắt giảm, hoặc cắt giảm ít vì các dự án điện gió không phải nguyên nhân gây quá tải. Về mặt kinh tế giá 8,5 cent; thấp hơn 9,35 cent của điện mặt trời, trong khi đó, về kỹ thuật điện gió thân thiện hơn nhiều”, ông Thịnh nêu.

Cũng theo vị này, dù đã nhiều lần kiến nghị và EVN đã xin ý kiến Bộ Công Thương nhưng cuối cùng vẫn chưa thay đổi.

“Hiện là mùa gió tốt nhưng đang bị cắt 61%, chỉ chạy 39%. Đến thời điểm hiện nay chỉ đạt sản lượng 3 triệu kWh, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 11 triệu kWh. Nếu cứ như thế này các ông điện gió sẽ “chết”. Chúng tôi rất đau khổ vì chuyện này. Nếu vẫn tiếp diễn tình trạng này thì sẽ phải kiến nghị tiếp tới cấp cao hơn vì đây là vấn đề sống còn”, ông Thịnh cho rằng các nhà đầu tư điện gió cần được đối xử “công bằng".

Trong khi đó, đại diện đến từ nhà máy điện gió Vĩnh Châu tại Sóc Trăng cũng đã đề nghị EVN chỉ đạo sớm làm đường dây 110 KV Bạc Liêu - Vĩnh Châu, theo kế hoạch tháng 10/2020 vận hành. Nếu không xong sớm đường dây này, vị này cho rằng khó giải toả công suất vì sắp tới tại Sóc Trăng có 5 nhà máy đấu nối.

Trước các kiến nghị được nêu ra tại hội nghị, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định EVN mong muốn các nhà máy năng lượng tái tạo đưa vào vận hành càng sớm càng tốt.

Liên quan tới kiến nghị đồng bộ giữa nhà máy và đường dây, vị này cho biết EVN yêu cầu ràng buộc rõ điều kiện “khi nnhà máy vào thời điểm nào thì phải giải toả được hết, đồng bộ với đường dây".

Ông Hải cho biết mong nhà đầu tư nhà đầu tư phối hợp với EVN để vận hành nhịp nhàng. Nếu nhà đầu tư đưa nhà máy vào sớm hơn tại thời điểm đường dây không quá tải thì sẽ phát hết. Còn nếu ở đường dây quá tải thì ưu tiên phát dự án đã vào trước.

Về ý kiến liên quan dự án bổ sung quy hoạch, EVN cho biết đã nhận được hơn 100 góp ý, nếu tính riêng từng dự án ở khu vực thì không vấn đề, còn tính tổng thể là quá tải. Hiện dự án nằm chờ bổ sung quy hoạch nhiều, EVN góp ý Bộ Công Thương dự án nào giải toả được hết thì mới đồng ý bổ sung quy hoạch.

Nguyễn Mạnh