1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nhà băng "nhìn nhau" hạ lãi suất: Còn đến bao giờ?

(Dân trí) - Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng lớn đã có thông báo giảm lãi suất các khoản vay cũ về mức 15%/năm, theo yêu cầu của Thống đốc NHNN. Tuy nhiên trên thị trường vẫn còn tình trạng nhìn nhau để điều chỉnh hoạt động của mình.

Hạ nhiệt lãi suất cho vay.
Hạ nhiệt lãi suất cho vay.

Nhìn nhau hạ lãi suất

Ngày 15/7 vừa qua được xem là mốc để các ngân hàng thương mại thực hiện việc điều chỉnh hạ lãi suất các khoản vay cũ về dưới mức 15%/năm, theo như yêu cầu của Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại hội nghị sơ kết ngành 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm. Còn nhớ, tại hội nghị này, một số ngân hàng lớn đã đồng thuận sẽ thực hiện theo đúng chỉ đạo của người đứng đầu ngành ngân hàng.

Và đến thời điểm này, hầu hết nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh và ngân hàng có vốn lớn của Nhà nước đã đồng loạt thông báo giảm lãi suất cho vay cũ đối với cả khoản vay ngắn hạn lẫn trung và dài hạn, áp dụng cho khách hàng là doanh nghiệp. Tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, sau Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), hiện đã có thêm Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ xuống mức tối đa là 15%/năm.

Theo thông tin từ ngân hàng này, VPBank đã thực hiện giảm lãi suất về mức tối đa 15%/năm cho gần 400 khoản vay cũ với tổng giá trị trên 460 tỷ đồng. Dự tính tổng dư nợ tất cả các khoản vay cũ sẽ được điều chỉnh giảm lãi suất vào khoảng 10.000 tỷ đồng.

Thực hiện theo chủ trương chung, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực cũng đã có công văn hỏa tốc yêu cầu phòng tín dụng tại hội sở Giám đốc các chi nhánh trực thuộc “khẩn trương rà soát toàn bộ dư nợ, trên cơ sở cân đối lãi suất huy động đầu vào và khả năng tài chính của đơn vị mình đề xuất lộ trình thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng về mức dưới 15%/năm. Việc điều chỉnh giảm lãi suất phải thực hiện trên cơ sở đồng thuận giữa khách hàng và đơn vị cho vay, khuyến khích khách hàng tăng cường sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng trong tương lai”.

Một số ngân hàng phản ánh, hiện Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn về việc giảm lãi suất các khoản vay cũ nên các ngân hàng thương mại thực hiện mỗi nơi mỗi kiểu. Trên thị trường cũng đã có hiện tượng né quy định giảm lãi suất các khoản nợ cũ về 15%/năm.

Đại diện một ngân hàng thương mại tại Hà Nội cho biết: Nếu thực hiện theo đúng chủ trương giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng sẽ phải giảm một khoản lớn lợi nhuận. “Chúng tôi nhìn nhận rằng, trong thời điểm hiện nay, doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng khó sống khỏe nên đang xem xét hạ lãi suất cho vay. Vì liên quan tới kế hoạch kinh doanh, mục tiêu lợi nhuận đặt ra nên phải xem xét kỹ lưỡng, không thể doanh nghiệp nào cũng được giảm”, đại diện ngân hàng này nói.

Bao giờ hết thời NHNN phải “khuyến nghị”?

Theo đánh giá từ giới chuyên gia, động thái khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay các khoản nợ cũ về mốc 15% của NHNN là hợp lý. Thực hiện chủ trương này, các ngân hàng lớn sẽ không gặp khó khăn, vì đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để tháo gỡ nợ xấu. Các ngân hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn hơn, vì chi phí vốn bỏ ra với lãi suất cũ rất cao, mức lãi suất huy động thời điểm khoản vay trước đây cũng gần bằng với lãi suất tối đa cho vay mà NHNN yêu cầu hiện tại.

Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP.Hồ Chí Minh cho biết, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đang triển khai mạnh việc giảm lãi suất cho vay các hợp đồng cũ về mức tối đa 15%/năm; Đồng thời xem xét miễn, giảm lãi phải trả đối với các khách hàng bị tổn thất về tài sản dẫn đến rủi ro về tài chính.

“Nếu doanh nghiệp, hộ kinh doanh có vay vốn ngân hàng mà không được điều chỉnh lãi suất cho vay thì báo cáo về NHNN. Hiện nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã báo cáo triển khai nghiêm túc việc này”, ông Minh nói.

TS. Bùi Kiến Thành, cố vấn cao cấp về kinh tế tài chánh cho các tập đoàn kinh doanh lớn ở Hà Nội cho rằng, trong hoàn cảnh hai bên cùng khó khăn thì việc ngân hàng giảm lãi suất là việc nên làm, cứu doanh nghiệp cũng là cứu ngân hàng. Tuy nhiên, khi NHNN chỉ can thiệp bằng những đề nghị, khuyến khích, chủ yếu thực thi hay không là ở các ngân hàng thương mại.

Do đó, “với tư cách là một Ngân hàng Trung ương, NHNN không nên đi khuyến cáo, khuyến nghị các ngân hàng thương mại nữa. Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho NHNN tiến hành tái cấp vốn 20.000 tỷ đồng - 30.000 tỷ đồng cho các ngân hàng với lãi suất bằng 0%, để cho vay giá rẻ đối với nông nghiệp nông thôn. Theo đó, NHNN có thể cấp vốn cho ngân hàng thương mại với mức 2 - 3%, để ngân hàng cho vay ra ở mức 6 - 7% đối với các khoản nợ cũ của doanh nghiệp. Chủ trương của Nhà nước là kéo lãi suất xuống để doanh nghiệp thanh lý hợp đồng cũ, cũng là để xử lý nợ xấu. Các khoản vay mới cũng chỉ nên áp dụng ở mức này, chứ lãi suất 15%/năm, doanh nghiệp cũng không thể sống nổi”, TS. Bùi Kiến Thành kiến nghị.

Tại Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư diễn ra vào đầu tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm sẽ là thời điểm mà toàn nền kinh tế phải phần đầu quyết liệt. “Tăng trưởng được 5,2% hay 5,7% là nằm ở giai đoạn này”, Thủ tướng nói. Theo đó, mục tiêu hàng đầu của điều hành 6 tháng cuối năm là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, gắn với tái cơ cấu kinh tế.

Nguyễn Hiền