1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Người giàu ở Việt Nam đang tăng lên đáng kể

(Dân trí) - Các tổ chức kinh tế lớn của thế giới đều cho rằng đến năm 2020, 1/3 dân số Việt Nam sẽ thuộc loại trung lưu và giàu có. Sự xuất hiện ngày một nhiều người giàu chính là cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng kinh tế tiêu dùng.

Người dùng lạc quan

Báo cáo từ BCG CCCI (Boston Consulting Group) cho thấy, Việt Nam đang là nền kinh tế có mức tăng dân số trung lưu và giàu có đáng mừng. Nếu năm 2012, Việt Nam chỉ mới có 12 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có (MAC) thì đến năm 2020, con số này sẽ lên đến 33 triệu người.

“Khi dân số thuộc tầng lớp MAC tăng lên, cơ hội để các doanh nghiệp (DN) kinh doanh thuận lợi hơn. Khi đó tiêu dùng sẽ đóng góp nhiều hơn cho tổng GDP của quốc gia”, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình chính sách công Fulbright Việt Nam nhận định.


Nếu năm 2012, Việt Nam chỉ mới có 12 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có (MAC) thì đến năm 2020, con số này sẽ lên đến 33 triệu người

Nếu năm 2012, Việt Nam chỉ mới có 12 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có (MAC) thì đến năm 2020, con số này sẽ lên đến 33 triệu người

Chia sẻ tại Hội nghị Đầu tư thường niên lần thứ 9 vừa diễn ra tại TPHCM, ông Thành cho biết, suốt ba thập kỷ qua, Nhà nước phát triển kinh tế dựa trên ba rường cột quan trọng: Xuất nhập khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng và tiêu dùng. Hiện, tiêu dùng đang đóng góp 4,4%/năm GDP cả nước. Mức độ đóng góp cho nền kinh tế chung thì ngành tiêu dùng có thể tăng tỉ lệ lên trên xấp xỉ 5%/năm. Mức tăng trưởng này, theo ông Thành là hoàn toàn có thể bởi động lực tăng trưởng tiêu dùng rất lớn.

Cụ thể, giá hàng hóa thế giới đang thấp, tín dụng tiêu dùng được khuyến khích tăng và quan trọng hơn cả là tầng lớp MAC ở Việt Nam ngày một nhiều hơn. Bình quân, mức thu nhập của tầng lớp này lên đến 190 USD/tháng, cao hơn cả Thái Lan, Myanmar hay Indonesia.

Nguồn: Tổng cục hải quan
Nguồn: Tổng cục hải quan

“Đáng chú ý là tại Việt Nam, người dùng đô thị khá lạc quan, trên 90% người dân tin rằng đời sống thế hệ của họ đang tốt hơn cha mẹ ngày trước và đời con họ sẽ tốt hơn hiện tại. Con số này cao hơn hẳn các nước trong khu vực”, ông Thành nói. Điều này sẽ góp phần đáng kể trong việc phát triển ngành tiêu dùng. Trong tương lai, rõ ràng là Việt Nam có thể chọn lựa kinh tế tiêu dùng như một bàn đạp chủ chốt cho sự tăng trưởng GDP.

Cơ hội cho kinh tế tiêu dùng

Theo các chuyên gia kinh tế, từ trước đến nay, nước ta vẫn chọn phát huy thế mạnh về xuất khẩu. Trên thực tế, nền tảng này chưa thể phát huy hết nội lực của kinh tế về lâu dài. Bên cạnh đó, nước ta lại chưa phải là quốc gia có nguồn vốn lớn và kỹ năng tốt để theo đuổi mạnh mẽ con đường đầu tư hạ tầng cơ sở, công nghiệp quy mô lớn… Do đó, “phát triển kinh tế tiêu dùng sẽ thuận lợi hơn cho Việt Nam trong tương lai”, ông Thành phân tích.

Theo ông Thành, đây không phải là con đường riêng của Việt Nam mà khá nhiều quốc gia đang chọn con đường này vì đó là cách dễ nhất để thúc đẩy tăng trưởng.

“Kinh tế Trung Quốc trước đây chủ yếu dựa vào đầu tư, nay đã chuyển đổi sang tiêu dùng. Hiện đang là thời gian chuyển giao nền kinh tế của Trung Quốc”, ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF Việt Nam nhận định.

Theo ông Jonathan, dịch vụ và tiêu dùng ngày càng dẫn dắt tăng trưởng của Trung Quốc. Điều này có thể xảy ra tương tự ở Việt Nam. Do đó, các DN cần chú trọng đầu tư nhiều hơn cho công tác sản xuất, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại ngày một nhiều hơn.
Mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại ngày một nhiều hơn.

Bên cạnh việc chuẩn bị cho sự phát triển của thị trường trong nước, ông Jonathan cũng cho rằng, DN Việt Nam còn có thể đón đầu thị trường xuất khẩu, nhất là sang thị trường “láng giềng”. Bởi, tái cân bằng cơ cấu kinh tế ở Trung Quốc sẽ là cơ hội cho các quốc gia sản xuất, trong đó có Việt Nam. Dễ thấy nhất là xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đang tăng lên đáng kể và đã chuyển nhanh sang hàng hóa trung gian và thành phẩm chứ không thuần nguyên liệu như trước đây.

“Trung Quốc đang tập trung nhiều hơn cho việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạm thời không đặt nặng các mảng sản xuất thâm dụng lao động nhiều như may mặc, đồ gỗ, da giày… nên sản phẩm của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh, tận dụng cơ hội để chiếm thị trường”, ông Jonathan khẳng định.

Phương Quyên