1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Người bán thịt lợn hơn 20 năm có phân biệt được lợn dịch ngoài chợ?

(Dân trí) - Thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đang khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang. Nhiều người đã phải truyền tai nhau cách phân biệt thịt lợn dịch và thịt lợn an toàn. Tuy nhiên, ngay cả người bán thịt lợn hơn 20 năm cũng không dám khẳng định chắc chắn.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn, cả lợn nhà và lợn hoang dã; bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.

Tình trạng bệnh dịch đã khiến cho tâm lý của người tiêu dùng vô cùng hoang mang. Chị Thanh Phương (TP. Hải Dương) thậm chí còn phải tạm dừng mua thịt lợn để chờ qua đợt dịch.

londich.jpg

Việc kinh doanh của các tiểu thương ở chợ đang gặp nhiều khó khăn (Ảnh minh hoạ)

 Chị Phương cho biết: “Thịt lợn dễ ăn, chế biến được nhiều món nên thường là lựa chọn được ưu tiên trong bữa ăn của gia đình tôi. Tuy nhiên, đợt dịch này khiến tôi khá hoang mang. Tôi phải chuyển qua thực phẩm khác để tủ lạnh ăn dần.”

“Nhưng thực sự, thịt lợn vẫn là món dễ ăn nhất. Nhiều ngày nay ăn bò, gà, cá khiến các con tôi không còn muốn động đũa. Tôi đành phải ra chợ để tìm mua thịt lợn, xương sườn về chế biến cho cả gia đình”, chị Phương nói.

dich-ta-1551073067273.jpg

Thế nhưng, việc mua thịt lợn như thế nào là an toàn thì chị Phương không hề biết. Tham khảo qua nhiều bạn bè chuyên kinh doanh thịt lợn, thì chị Phương được biết: “Nên chọn loại thịt có phần mỡ trắng, da không có đốm, vết lạ. Không phải tất cả thịt lợn có vết đốm đều là lợn dịch, vì có thể do vết muỗi đốt, do quá trình mổ. Tuy nhiên, đang trong lúc có dịch thì tôi vẫn cẩn thận hơn.”

“Thịt ngon sẽ có màu hồng, miếng thịt sẻ dẻo, sờ vào có cảm giác mát tay. Nếu miếng thịt có màu vàng thì có thể do chất cám hoặc do ốm, lúc nhạy cảm nên tránh. Mua về luộc thì thịt sẽ có mùi thơm, nước luộc trong. Nếu có mùi hôi thì không hẳn là lợn dịch, nhưng thịt sẽ không ngon”, chị Phương cho biết thêm.

dich-ta-2-1551073067295.jpg

Cơ quan chức năng đang lập chốt khoanh vùng dịch các tuyến đường vào huyện Yên Định

Tuy nhiên, đó chỉ là cách nhận biết thịt lợn an toàn, còn thịt lợn dịch thì ngay cả người đã buôn bán thịt lợn hơn 20 năm như chị Thanh cũng “bó tay”.

Bởi theo chị Thanh: “Khi lợn đã mổ ra thì gần như không có cách phân biệt được đâu là lợn dịch, đâu là lợn an toàn. Ngay cả tôi cũng không phân biệt được nếu như đã mang ra chợ bày bán. Người mua hàng chỉ có một cách duy nhất là mua của người quen, hoặc cửa hàng đảm bảo uy tín.”

“Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng không nên quá lo lắng. Vì hiện nay, việc vận chuyển lợn được kiểm soát vô cùng chặt chẽ. Tôi vận chuyển hàng đi giao cho các nơi đều phải có giấy kiểm dịch của địa phương, nếu không sẽ bị thu giữ ngay tại chỗ”, chị Thanh cho biết thêm.

Hơn nữa theo chị Thanh, hiện Nhà nước đang trợ giá cho các hộ nuôi lợn. Ở Hải Dương, nếu lợn dịch phải tiêu huỷ sẽ được thu mua với giá 37.000 đồng/kg, thấp hơn so với giá 44.000 - 45.000 đồng/kg của lợn không dịch, nhưng cũng giảm thiệt hại đi rất đáng kể. Người dân sẽ không bất chấp bán thịt dịch ra ngoài để “gỡ”.

Hiện nay tại nhiều chợ, tuy giá thị lợn không tăng nhưng việc kinh doanh của các tiểu thương đang gặp rất nhiều khó khăn, do ít khách. Cụ thể, như tại Hà Nội, hiện giá lợn hơi đang ở mức 41.000 đồng/kg; Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên giá đạt khoảng 42.000 đồng/kg. Một số tỉnh có giá bán cao hơn, đạt 43.000 đồng/kg như Yên Bái, Lào Cai, Ninh Bình, Hải Dương...

Thế Hưng