1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngôi sao YouTube kiếm hơn 37 tỷ đồng/năm chia sẻ bí quyết thành công

(Dân trí) - “Nếu như YouTube biến mất vào ngày mai, tôi sẽ thất vọng. Nhưng từ góc độ tiền bạc, thì Youtube thực sự chưa bao giờ là thứ mà tôi phụ thuộc vào”, anh Graham Stephan chia sẻ.

Ngôi sao YouTube kiếm hơn 37 tỷ đồng/năm chia sẻ bí quyết thành công - 1
YouTuber - Graham Stephan đang trên con đường kiếm được tối thiểu 1,6 triệu USD (hơn 37 tỷ đồng) vào năm 2019.

Đây là lần đầu tiên anh kiếm được bảy con số trong một năm, một cột mốc mà anh đã đặt ra kể từ năm 2017.

“Từ hai năm trước, tôi đã đăt ra một thử thách với bản thân”, triệu phú đô la 29 tuổi nói với CNBC Make It. “Thử thách của tôi là kiếm được 1 triệu USD trong năm 2018”. Và anh đã không đạt được, nhưng một năm sau, ngay cả chính anh cũng ngạc nhiên về số tiền mình kiếm được.

Hiện nay, 85% thu nhập của anh đến từ hai kênh YouTube mà anh lập ra, chủ yếu thông qua doanh thu quảng cáo và 15% còn lại đến từ các khóa học trực tuyến mà anh bán thông qua nền tảng Teachable, hoa hồng bất động sản, thu nhập cho thuê và thu nhập từ các nhà tài trợ.

Stephan ban đầu không có ý định tạo video với mục đích kiếm tiền. Anh trước đó đã kiếm được khá nhiều tiền với tư cách là một người môi giới. “Tạo video và đăng lên YouTube, đó là một điều thú vị mà tôi đã luôn muốn làm”, anh nói. “Nhưng tôi cũng cảm thấy kiểu như, Ai muốn xem những video của tôi? Tôi liệu có đủ cá tính để làm video và thu hút người xem?”.

Nhưng khoảng 3 năm trước, anh quyết định quay phim và tải lên Youtube video đầu tiên. Đó là những lời khuyên về cách trở thành một nhà môi giới bất động sản thành công mà anh tự quay trên chiếc iPhone của mình. “Đây là một trải nghiệm thú vị”, Stephan nói. “Tôi nhớ rằng video nhận được chín hoặc 10 lượt xem và nghĩ, ôi trời ơi, chín người ở đâu đó đã xem video này! Vì vậy, tôi bắt đầu làm nhiều video hơn.”

Khi anh mới bắt đầu kiếm tiền từ kênh chính của mình, số tiền chỉ là “vài xu một ngày”, anh nhớ lại. Sau đó, nó tăng dần lên một đô la một ngày và tôi nhớ vào thời điểm đó tôi đã nghĩ: “Tốt thôi, nếu tiếp tục duy trì như vậy cả tháng, điều đó có nghĩa là tôi có thể ăn một bữa sushi hoàn toàn miễn phí chỉ với YouTube”.

Sau một năm làm video, anh kiếm được 26.000 USD (hơn 603 triệu đồng). Mọi thứ bắt đầu ‘bùng nổ” từ đó.

“Tôi bắt đầu thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn rất nhiều trong năm thứ hai”, anh nói. “Tôi đã kiếm được khoảng 260.000 USD trong năm 2018”. Năm 2019, năm thứ ba của anh trên Youtube, anh đã ra mắt một kênh thứ hai, The Graham Stephan Show và đang trên con đường kiếm được hơn 1,6 triệu USD. Tính cả hai kênh, anh kiếm được trung bình 90.684 USD/tháng. Đỉnh cao nhất là tháng 8 vừa qua, anh kiếm được 165.219 USD.

Hầu hết số tiền trên YouTube của anh đến từ quảng cáo, nhưng anh cũng nhận được doanh thu từ phí thành viên YouTube Premium.

“Về phương diện tăng thu nhập của tôi, tôi nghĩ rằng có một vài thứ là yếu tố quan trọng”, Stephan nói. Anh đã dành phần lớn thời gian trong ngày làm việc của mình để tạo nội dung và tải lên nhiều video mỗi tuần. Để bắt đầu, anh đã chọn lọc những thứ để đăng: "Tôi đã dành nhiều thời gian hơn cho nội dung mà tôi cảm thấy mọi người sẽ thực sự muốn xem và phù hợp với cả thuật toán củaYouTube. Một nửa thời gian đầu, tôi mang đến cho khán giả những gì họ muốn xem và phần còn lại, đó là những gì tôi nghĩ YouTube có khả năng sẽ quảng bá”.

“Thứ hai, tôi nghĩ rằng sự tăng trưởng giống như lăn một quả cầu tuyết, nếu bạn càng có nhiều người đăng ký, bạn sẽ càng nhận được nhiều hơn lượt xem – và nó liên tục phát triển tuần hoàn. Và có mục tiêu ngay từ đầu là tiền đề để tôi đạt đến điểm mà tôi có ngày hôm nay”, anh nói.

Stephan không thể biết chắc thu nhập tương lai của mình với Youtube, vì vậy, anh không phụ thuộc vào nó. Anh chỉ xem đó như một phần thưởng, một nguồn thu nhập thêm.

Nếu một ngày không còn lượt theo dõi trên Youtube, anh nói rằng, anh sẽ quay lại với công việc ban đầu là bán bất động sản, công việc mà anh đã làm từ năm 18 tuổi.

“Nếu như YouTube biến mất vào ngày mai, tôi sẽ thất vọng. Nhưng từ góc độ tiền bạc, thì Youtube thực sự chưa bao giờ là thứ mà tôi phụ thuộc vào”, anh nói.

Thùy Dung

Theo CNBC