1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngoài Bộ Công Thương, nhà đầu tư trong nước nắm chưa tới 1% cổ phần tại Sabeco

(Dân trí) - Tại thời điểm chốt danh sách cổ đông ngày 6/10, số lượng cổ phiếu lưu hành tự do được nắm giữ bởi các nhà đầu tư trong nước tại Sabeco chỉ có khoảng 6,53 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 1% vốn điều lệ.

Ngoài Bộ Công Thương, nhà đầu tư trong nước nắm chưa tới 1% cổ phần tại Sabeco - 1

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco (mã SAB) vừa công bố bản cáo bạch và các tài liệu liên quan trước thời điểm niêm yết trên sàn chứng khoán vào ngày 6/12 tới đây.

Theo tài liệu này, vốn điều lệ Sabeco hiện đạt gần 6.413 tỷ đồng, tương ứng số lượng cổ phiếu niêm yết là 641,28 triệu. Với mức giá chào sàn là 110.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường của Sabeco ước đạt 70.540 tỷ đồng, tương ứng 3,15 tỷ USD.

Tại thời điểm chốt danh sách cổ đông ngày 6/10/2016, Sabeco có 1.227 cổ đông và trong đó, Bộ Công Thương là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 574,52 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 89,59%.

Đáng lưu ý, tại thời điểm này, Sabeco hiện còn có 114 cổ đông ngoại nắm giữ 60,23 triệu cổ phiếu Sabeco, tương ứng tỷ lệ 9,39%.


Cơ cấu sở hữu cổ phần của Sabeco

Cơ cấu sở hữu cổ phần của Sabeco

Số lượng cổ phiếu lưu hành tự do được nắm giữ bởi các nhà đầu tư trong nước chỉ có khoảng 6,53 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 1% vốn điều lệ. Trong đó, các nhà đầu tư tổ chức trong nước (không bao gồm Bộ Công Thương) nắm giữ 2,18 triệu cổ phiếu và 1.085 nhà đầu tư cá nhân trong nước nắm giữ 4,36 triệu cổ phiếu.

Theo kế hoạch, sau khi lên sàn, Bộ Công Thương dự kiến sẽ thoái vốn khỏi Sabeco theo 2 đợt: đợt 1 thoái 53,59% vốn ngay năm 2016; đợt 2 sẽ bán tiếp 36% còn lại trong năm 2017. Lãnh đạo Sabeco mới đây cho biết, Sabeco hiện đang làm thủ tục đấu thầu chọn tư vấn để thực hiện thoái vốn Nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương.

Kể từ khi Chính phủ thông báo chủ trương cổ phần Sabeco, một số hãng bia ngoại đã tỏ ý quan tâm đến việc mua cổ phần. Trong số những nhà sản xuất bia lớn đang “xếp hàng” để mua cổ phần Sabeco có thể kể tới như: Thai Beverage và Singha của Thái Lan, Kirin và Asahi của Nhật Bản, Heineken, Anheuser-Busch InBev của Hà Lan.

Với dân số gần 92 triệu người tại thời điểm cuối năm 2015, tốc độ tăng dân số bình quân 1%/năm và văn hoá uống bia của người Việt, thị trường bia Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn và được dự báo tăng trưởng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một trong những thách thức doanh nghiệp phải đối mặt là mức độ cạnh tranh trong ngành bia ngày càng khốc liệt. Rất nhiều doanh nghiệp đang gia tăng đáng kể hoạt động đầu tư cho công tác tiếp thị, khuyến mại để chiếm thị phần.

Các hãng bia có vốn nước ngoài như Sapporo, Heineken Việt Nam, AB Inbev không ngừng đầu tư, mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất. Chẳng hạn, Saporo Việt Nam đã nâng công suất thiết kế từ 40 triệu lít/năm lên 100 triệu lít/năm; Heineken Việt Nam đang tiến hành nâng cấp nhà máy bia ở Quảng Nam lên 120 triệu lít/năm từ công suất hiện tại 25 triệu lít/năm; AB Inbev mới khánh thành nhà máy bia 100 triệu lít/năm; Masan có 2 nhà máy bia tổng công suất 200 triệu lít/năm…

Theo bản cáo bạch, Sabeco cho biết, yếu tố tác động mạnh nhất tới rủi ro thị trường chính là sự cạnh tranh của các hãng bia, rượu có thương hiệu, tiềm lực tài chính mạnh và có nhiều kinh nghiệm của nước ngoài, đặc biệt là khi Việt Nam thực hiện điều chỉnh chính sách thuế theo cam kết khi gia nhập WTO và các Hiệp định thương mại trong thời gian tới.

Sabeco cũng đưa ra một rủi ro khác là sau khi ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại hàng hóa trong ASEAN…Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều sản phẩm trong đó có bia, rượu. Việt Nam cam kết giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với rượu, bia sau khi ký kết Hiệp định TPP về mức 0% từ năm thứ 12 đối với rượu mạnh và năm thứ 11 đối với bia. Mặc dù 2 ngành hàng này có lộ trình giảm thuế khá dài nhưng theo Sabeco thì đây là nguy cơ đối với các doanh nghiệp sản xuất bia trong nước trong đó có Sabeco vì các sản phẩm bia nhập khẩu từ nước ngoài được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian sắp tới.

Mặt khác, Sabeco dù đang thống lĩnh thị trường bia với khoảng 40% thị phần song vẫn cho rằng, phân khúc bia giá trung bình bị cạnh tranh rất khốc liệt từ các công ty thuộc phân khúc bia cao cấp như Heineken, Sapporo…Thêm vào đó, một nhóm người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang phân khúc bia cao cấp khi thu nhập bình quân tăng lên. Các điều này có thể dẫn đến tương quan cạnh tranh trong thị trường bia thay đổi.

Phương Dung