1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nghịch lý: Doanh nghiệp khai khoáng tăng nhanh, thu ngân sách lại sụt giảm

(Dân trí) - Nhóm chuyên gia dẫn báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, số doanh nghiệp được cấp phép khai khoáng tăng nhanh, số đơn vị vi phạm cũng tăng song thu ngân sách lại sụt giảm trong những năm qua.

Nghịch lý: Doanh nghiệp khai khoáng tăng nhanh, thu ngân sách lại sụt giảm - Ảnh 1.

Thu ngân sách từ khai thác khoáng sản không tương xứng với mức độ các doanh nghiệp làm thiệt hại nguồn tài nguyên.

Một bài viết thực hiện bởi PGS.TS. Lê Huy Trọng (Kiểm toán trưởng, Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành V) và ThS. Lại Phương Thảo (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chỉ ra rằng, trong 3 thập kỷ gần đây, các ngành công nghiệp khai thác của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, khoáng sản với bản chất vốn có của nó là tài nguyên có giá trị kinh tế cao, không tái tạo hoặc tái tạo trong một khoảng thời gian rất dài nên khai thác tài nguyên khoáng sản không hợp lý sẽ mất đi cơ hội sử dụng các loại tài nguyên khác như rừng, đất, nước, thuỷ sản... và tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội, gây ra sự biến động thị trường giá cả các loại khoáng sản, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, nguy cơ tham ô, tham nhũng.

"Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ trong quản lý nhà nước về khoáng sản nói chung và khai thác khoáng sản nói riêng như sự buông lỏng quản lý hay sự bất lực của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý khoáng sản. Hay sự thất thu ngân sách Nhà nước trong khai thác khoáng sản; và những bất cập trong các quy định chính sách quản lý khoáng sản", bài viết nêu.

Theo nhóm chuyên gia, công tác quản lý khai thác khoáng sản tại các địa phương đã bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý các mỏ khoáng sản chưa được cấp phép khai khác, và cả những mỏ đã được cấp phép khai thác; gây lãng phí, thất thoát tài nguyên và dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường.

Dẫn chứng được nhắc đến là vấn đề khai thác cát trái phép đã và đang diễn ra từ Bắc vào Nam gây sạt lở nghiêm trọng ở nhiều địa phương trên cả nước. Có những bãi khai thác cát, sạn trái phép chỉ cách UBND xã chưa đầy 500m và những chuyến xe chở cát, sạn từ bãi này đều phải chạy ngang qua trụ sở Ủy ban nhân dân xã mới có thể vận chuyển ra khỏi xã và các hộ dân ở gần khu vực khai thác trái phép đã nhiều lần ý kiến lên xã, thậm chí chặn đường không cho xe đưa cát đi tiêu thụ, nhưng chính quyền địa phương vẫn “làm ngơ”.

Hay trường hợp các mỏ khoáng sản đã hết thời gian khai thác, chưa làm thủ tục gia hạn nhưng vẫn bị khai thác trái phép. Chính quyền địa phương biết việc này nhưng do áp lực về chỉ tiêu ngân sách huyện giao mà xã đã đồng ý cho đơn vị khai thác trước, hoàn thiện thủ tục sau.

"Việc quản lý các mỏ khoáng sản đã được cấp phép cũng đang tồn tại nhiều vấn đề như: Khai thác ngoài diện tích được cấp phép, khai thác với độ sâu vượt quá mức cho phép, khai thác chưa tuân thủ theo thiết kế và yêu cầu kỹ thuật, an toàn khai thác mỏ... Điều này là do công tác quản lý và quy hoạch khoáng sản chưa được coi trọng đúng mức", bài viết nêu.

Nhóm chuyên gia cũng dẫn báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, số doanh nghiệp được cấp phép khai khoáng tăng nhanh, số đơn vị vi phạm cũng tăng và thu ngân sách lại sụt giảm trong những năm qua. Cụ thể, tính đến hết tháng 12/2017, cả nước có 2.889 tổ chức, cá nhân đang thăm dò, khai thác khoáng sản theo 4.214 giấy phép do các cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh thành cấp phép, trong đó có 579 tổ chức cá nhân tạm dừng triển khai dự án. Và số liệu thống kê cũng cho thấy, năm 2017, tổng thu ngân sách từ thuế tài nguyên của các địa phương đạt 8.723 tỷ đồng, giảm khoảng 2.600 tỷ đồng so với năm 2016.

"Các con số này cho thấy thu ngân sách từ khai thác khoáng sản hiện nay không tương xứng với mức độ các doanh nghiệp khai thác, làm thiệt hại nguồn tài nguyên", chuyên gia nhận định.

Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy định phương pháp xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả, phương thức hoàn trả; quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do Nhà nước đã đầu tư trong Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016.

Dù vậy, theo đánh giá của Viện Quản trị tài nguyên (NRGI) năm 2017, mức độ minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam chỉ đứng thứ 45/89 quốc gia tham gia đánh giá về hệ thống thu thuế, quản lý nguồn thu, ngân sách quốc gia, tiếng nói, mức độ minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình trong quản lý tài nguyên (Mạnh Đức, 2018).

Nhóm chuyên gia do PGS.TS. Lê Huy Trọng đồng thực hiện cho rằng, trên thực tế, vẫn còn khoảng cách lớn giữa những chủ trương, quy định và thực tiễn thi hành. Cụ thể, nội dung cấp phép hoạt động khoáng sản thì do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhưng giám sát các hoạt động khoáng sản lại do Bộ Công Thương thực hiện.

Hơn nữa, hiện nay các các doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi, độc quyền trong khai thác khoáng sản, làm cản trở tiến trình minh bạch hóa trong hoạt động khoáng sản, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị trong và ngoài quốc doanh.

"Thực tế công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn nhiều bất cập là do các chính sách đã có nhưng chưa thực sự phù hợp và hỗ trợ cho công tác quản lý; năng lực giám sát còn hạn chế; thiếu sự liên kết, chia sẻ giữa các cơ quan quản lý có liên quan do các nguồn thông tin trong ngành khai khoáng luôn trong tình trạng “bảo mật”, kể cả những thông tin cơ bản về dự án khai thác khoáng sản", nhóm chuyên gia cho hay.

Phương Dung

Nghịch lý: Doanh nghiệp khai khoáng tăng nhanh, thu ngân sách lại sụt giảm - Ảnh 2.