1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nghề săn vợ cho các “đại gia” Trung Quốc "ăn nên làm ra"

(Dân trí) - Nghề săn vợ cho các đại gia được dịp ăn nên làm ra tại Trung Quốc khi các “đại gia” ở đây sẵn sàng “vung” tới hàng chục nghìn USD để tìm những cô gái xinh đẹp, học vấn cao làm vợ.

Phóng viên Lucy Ash của BBC đã có một buổi đi “săn” người đẹp cho các “đại gia” cùng nhân viên của một công ty môi giới hôn nhân, và qua đó có cho thấy sự đối lập ghê gớm giữa các “đại gia” và trai nghèo trong việc tìm vợ, cũng như thực trạng chênh lệch giới tính đáng ngại tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Peng Tai đi săn ứng viên làm vợ đại gia
Peng Tai đi săn ứng viên làm vợ "đại gia"

Phí tìm vợ 1,6 triệu USD/năm

Tay cầm theo ly cà phê đá, Peng Tai đi xuống phố và biến mất trong một trung tâm mua sắm. Khi lên lưng chừng thang máy, anh bắt đầu đảo mắt thăm dò khung cảnh phía dưới.

“Cô gái váy vàng thì sao?”, tôi hỏi. “À, ừ, thấp quá”, Peng nói. Thế còn cô gái đang đeo tai nghe đi ra khỏi cửa hàng giày?. “Không bao giờ. Quá gầy”.

“Tôi đang muốn tìm những cô gái có làn da đẹp, thực sự trắng đẹp”, anh cho biết thêm. “Họ không được quá gầy hay quá béo với một dáng đi bình thường”.

Khoảng một phút sau, anh sáp lại một cô gái khoảng ngoài 20 đang thử nước hoa. “Bạn còn độc thân không?” anh hỏi. “Bạn đang tìm người yêu à?” Cô gái nhanh chóng lắc đầu và bỏ đi. Những câu hỏi trên được lặp lại với một vài phụ nữ trẻ nữa. Một số người tỏ ra ngượng ngùng, số khác thì thiếu kiên nhẫn.

Peng Tai quay ra cửa và uống cà phê từ ống hút một cách buồn bã. “Các cô gái không được tỏ ra dữ dằn. Chúng tôi không muốn một người có khuôn mặt cau có”, Peng giải thích. Đột ngột cậu nhìn thấy “con mồi” - một cô gái trẻ trong bộ váy khoe hai cánh tay và đi giày bệt.

Một cách thận trọng, Peng tiến lại và cười tươi. Cô gái nghe và mắt mở to ngạc nhiên sau những câu hỏi đầu tiên của anh, và trông có vẻ bị lôi cuốn khi cho Peng ghi lại các thông tin cá nhân. Và với chiếc iPhone trong tay, anh nhanh chóng chụp ảnh cô gái.

Mỗi ngày, Peng Tai có nhiệm vụ phải tìm 3 cô gái thích hợp. Anh chính là một “thợ săn tình”.

Peng làm việc cho công ty Diamond Bachelors' Agency, một công ty tại Thượng Hải chuyên phụ trách tìm vợ cho những “đại gia” giàu có. Mức phí để gia nhập vào danh sách khách hàng của công ty từ 24.200 USD tới 1,6 triệu USD/năm, tùy thuộc vào loại dịch vụ.

Peng Tai và hàng chục người giống như anh làm việc không khác những thợ đánh cá bằng lưới vét. Chỉ có điều con “cá” họ bắt phải được chuẩn bị kỹ lưỡng cho các tỷ phú Trung Quốc, những người nổi tiếng cầu kỳ.

Một khách hàng từng yêu cầu tìm một cô gái phải trông càng giống diễn viên Chương Tử Di càng tốt. Một người khác, một ông “trùm” bất động sản, đã chi tiền cho công ty để tới 9 thành phố, tìm và phỏng vấn 10.000 cô gái chỉ để tìm bạn đời.

Tất nhiên cô gái đó phải có vẻ ngoài quyến rũ. Nhưng đồng thời đó phải là người từ 22 - 24 tuổi, có bằng thạc sỹ từ một đại học hàng đầu ở Bắc Kinh hoặc Thượng Hải.

Công việc của Peng được hưởng thù lao theo kết quả, nhưng phần thưởng có thể rất “khủng”. Những “thợ săn tình” hàng đầu có thể kiếm hàng chục nghìn USD.

“Tôi không quan tâm các cô gái nghĩ gì”, Peng nói. “Đây là công việc của tôi và chúng tôi đang cung cấp một dịch vụ có như cầu lớn”.

Trai nghèo chết già

Trong khi những người giàu có vung tiền để thuê người tìm vợ và có vô số lựa chọn, những thanh niên nghèo ở nửa bên kia xã hội lại chẳng có lựa chọn nào.

Zhang Junfei và mẹ tại một chợ tìm bạn trăm năm
Zhang Junfei và mẹ tại một chợ tìm bạn trăm năm

Sự tăng trưởng ngoạn mục về kinh tế đã khiến nhiều nam giới Trung Quốc không thể kết hôn. Các cô dâu ngày nay đều kỳ vọng chú rể tương lai phải có ô tô, lương cao và có nhà ở.

Zhang Junfei, một kỹ sư trẻ tại Bắc Kinh đang cùng mẹ tới một chợ tìm bạn trăm năm, cho biết, cậu phải tiết kiệm khoảng 200 năm mới đủ mua một căn hộ có một phòng ngủ nếu hòan toàn nhịn ăn uống.

Nam giới ở những vùng nghèo nhất, kém phát triển nhất là những người chịu hậu quả lớn nhất từ sự mất cân bằng về giới khi những người phụ nữ cứ rời quê ra thành phố.

Trong 10 năm qua, khoảng 300 triệu người Trung Quốc đã di cư tới các đô thị. Với nhiều cô gái trẻ, đó là hành trình chỉ có một chiều. Họ kết hôn ở đó và không trở lại quê nhà.

Tại làng Tanzhen ở tỉnh miền núi Quảng Tây có 700 nhân khẩu. Khoảng 60 nam giới ở đây là người độc thân và hầu hết sẽ không tìm được vợ trước khi chết.

Wei Tianguang, 30 tuổi, cho biết hầu như toàn bộ các cô gái trong tuổi kết hôn đều đang làm việc trong các nhà xưởng ở bờ biển phía Đông.

Khi được hỏi anh có tiêu chuẩn nào cho người vợ lý tưởng hay không, anh trả lời: “Không đòi hỏi gì cả. Tôi sẽ kết hôn với bất kỳ phụ nữ nào sẵn sàng sống chung với tôi. Bất kỳ ai”.

Thanh Tùng
Theo BBC