1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ngành ô tô trong nước đang ốm yếu, vài năm nữa “cứu” sẽ không kịp

(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, ngành công nghiệp trong nước đang rất ốm yếu, cần có giải pháp ngay trong thời điểm này. Nếu 1-2 năm nữa mới làm việc này thì không kịp nữa.

Ngành ô tô trong nước đang ốm yếu, vài năm nữa “cứu” sẽ không kịp - 1

Bộ Công Thương cho biết, kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 vừa qua được người dân, doanh nghiệp rất quan tâm.

Bộ Tài chính mới đây đã phản đối việc giảm 50% lệ phí trước bạ, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước như đề xuất của Bộ Công Thương.

Bộ Tài chính cho rằng, nếu thông qua sẽ vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu.

Tại cuộc họp báo chiều 15/5, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 vừa qua được người dân, doanh nghiệp rất quan tâm.

Theo ông Thành, đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh mức tiêu thụ ngành ô tô giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

“Ngành sản xuất ô tô vừa rồi chỉ đạt 61.500 xe các loại, giảm 24% so với cùng kỳ, nhu cầu tiêu thụ xe cũng chỉ đạt 35-40% so với cùng kỳ. Từ thực tế đó, Bộ Công Thương đã đưa ra giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng. Theo đó, trong thời gian ngắn hạn - từ nay đến hết năm 2020 đề xuất giảm 50% phí trước bạ, lùi thời hạn đóng thuế tiêu thụ đặc biệt", ông Thành nói.

Theo ông Thành, không chỉ ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam chịu ảnh hưởng, mà ngành công nghiệp ô tô của một số nước trong khu vực ASEAN, châu Á cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, trong khi đó các quốc gia khác còn có chính sách hỗ trợ “mạnh tay” hơn Việt Nam.

Bên cạnh đó, thời gian áp dụng giảm thuế phí không dài, chỉ 6 tháng, nên khả năng vi phạm các cam kết quốc tế nhu cảnh báo của Bộ Tài chính là khó xảy ra. Đề xuất của Bộ Công Thương cũng đã được một số đơn vị liên quan khác đồng thuận.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, quan điểm của Bộ Công Thương đã khẳng định rất rõ trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan.

Ngành ô tô trong nước đang ốm yếu, vài năm nữa “cứu” sẽ không kịp - 2
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương trả lời tại buổi họp báo thường kỳ chiều 15/5.

“Nước nào cũng thế và Việt Nam cũng vậy. Ngành công nghiệp ô tô là một trong những ngành công nghiệp mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế và lợi ích cho người dân nên cần được quan tâm. Đặc biệt với thị trường cả 100 triệu dân như Việt Nam thì càng quan trọng. Thúc đẩy ngành này mang lại chính lợi ích cho người dân”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tất cả các doanh nghiệp sản xuất, lắp rắp ô tô phải tạm thời dừng hoạt động, gặp khó khăn rất nhiều. Trong khi đó, ô tô trong nước cũng phải cạnh tranh gay gắt với ô tô nhập khẩu giá rẻ từ ASEAN khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ.

Do vậy theo ông Hải, cần có những giải pháp quyết liệt và thật kịp thời. “Ngành công nghiệp trong nước đang rất ốm yếu rồi, cần có giải pháp ngay trong thời điểm này. Nếu 1-2 năm nữa mới làm thì không kịp nữa”, ông Hải nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Công Thương nhắc lại vấn đề giá thành ô tô Việt Nam bây giờ vẫn quá cao, cần có sự hỗ trợ để tạo thế cạnh tranh với những doanh nghiệp sản xuất lâu năm trên thế giới.

“Chúng tôi nhận được sự đồng cảm, chia sẻ một số cơ quam, một số cơ quan thì bây giờ chưa thống nhất được”, ông Hải nói thêm khi chia sẻ về đề xuất giảm thuế phí để “cứu” thị trường ô tô trong nước vừa qua.

Trước đó, trong báo cáo gửi tới hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã kiến nghị việc sớm xem xét thống nhất phương án sửa đổi quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, khuyến khích gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa đối với sản phẩm ô tô sản xuất trong nước nhằm duy trì và từng bước phát triển công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô tại Việt Nam, trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Mục đích của chính sách này theo Bộ Công Thương là nhằm khắc phục bất lợi về giá thành giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu.

“Do quy mô sản xuất nhỏ, cùng với ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước kém phát triển khiến giá thành ô tô sản xuất trong nước cao hơn so với ô tô nhập khẩu từ khu vực ASEAN”, Bộ Công Thương cho biết.

Đưa ra giải pháp về thuế, Bộ Công Thương cho rằng, kiến nghị được chấp thuận sẽ nâng cao sức cạnh tranh cho ô tô nội địa - đặc biệt là ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi trong bối cảnh các công cụ bảo hộ bằng thuế quan, hàng rào kỹ thuật đã được gỡ bỏ và sức ép của ô tô nhập khẩu từ khu vực ASEAN ngày càng quyết liệt.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất giảm 50% phí trước bạ đối với người mua xe ô tô trong nước trong năm 2020 để kích cầu thị trường này trước khó khăn do Covid-19.

Nguyễn Mạnh