1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Ngân sách thiếu tiền, áp lực thuế phí “đè” lên vai người dân

(Dân trí) - Chính phủ đang trình Quốc hội rà soát một loạt các chính sách thuế, trong đó nhiều loại thuế sẽ tăng nhằm bù đắp hụt thu, bảo đảm ngân sách nhà nước.

Bên lề thảo luận tại tổ diễn ra ngày hôm nay (22/10), ông Bùi Đức Thụ (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội) đã có cuộc trao đổi với PV Dân trí liên quan đến một số vấn đề thuế, phí trong bối cảnh ngân sách căng thẳng hiện nay.

Tỷ lệ động viên về thuế phí tuy giảm song vẫn cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực
Tỷ lệ động viên về thuế phí tuy giảm song vẫn cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực

Thưa ông, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, đặc biệt là khi TPP được ký kết, hàng loạt thuế suất xuất, nhập khẩu sẽ lùi về 0%. Cân bằng cán cân ngân sách nhà nước liệu có trở nên khó khăn hơn?

Đối với thu hải quan, thuế suất xuất nhập khẩu phải giảm theo lộ trình nên thu từ nguồn này sẽ giảm là hiện hữu. Nhưng lưu ý là kim ngạch xuất nhập khẩu tăng: 5 năm vừa qua, xuất khẩu tăng 18% và nhập khẩu cũng tăng 15-16%, nên thu VAT hàng nhập và thu thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập không giảm mà lại tăng.

Trong điều kiện hội nhập làm giảm thu thuế xuất nhập khẩu thì Nhà nước đã rà soát lại các chính sách thu, có những cái giảm song có khoản lại điều chỉnh tăng. Vừa qua đã tăng thu thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và đợt này lại trình rà soát lại.

Cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt thì trong đợt này Chính phủ cũng trình một số loại thuế khác phải rà soát theo hướng để bù đắp hụt thu để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.

Rõ ràng áp lực lên cân đối ngân sách nhà nước là rất lớn, tuy nhiên bên cạnh đó là khả năng “chịu đựng” của người dân, doanh nghiệp nếu tăng thu thuế. Ông suy nghĩ sao về điều này?

Về xu hướng lâu dài, rõ ràng phải căn cứ vào sức sống của doanh nghiệp, hiệu quả nền kinh tế để điều chỉnh chính sách động viên cho phù hợp.

Trong mấy năm gần đây, tỉ lệ động viên về thuế, phí giảm liên tục. Đến nay, tỉ lệ động viên trong ngân sách nhà nước đạt trên 21% trong đó thuế và phí trên 19%, so với những năm gần đây là giảm rất nhiều.

Nhu cầu chi tăng và gây áp lực với cân đối ngân sách làm tăng bội chi tăng nợ công. Nhưng nếu điều chỉnh tăng thu ngay các loại thuế thì sẽ dẫn đến những khó khăn của doanh nghiệp.

Tăng trưởng kinh tế vừa qua là đáng ghi nhận nhưng chưa thật sự vững chắc, đặc biệt trước bối cảnh cạnh tranh ngày càng lớn do mở cửa thị trường. Do vậy, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm cũng như mức độ điều chỉnh chính sách thu đối với từng sắc thuế như thế nào cho hợp lý.

Về vấn đề này, cá nhân tôi cũng như Ủy ban Tài chính ngân sách cũng sẽ theo dõi và nghiên cứu đề xuất với Quốc hội để đề xuất với Chính phủ có những giải pháp phù hợp, từng bước lành mạnh hóa tài chính công.

Thời gian vừa qua, việc tiến hành tăng thu thuế môi trường cũng như đặt ra vấn đề tăng thu thuế tiêu thụ đặc biệt và đã vấp phải những phản ứng trái chiều về dư luận. Ông nhìn nhận như thế nào về điều này?

Việc sửa các luật thuế vừa qua không phải là vấn đề trước mắt. Trong bối cảnh đó là cấp bách, phải làm ngay nhưng để đời sống pháp luật phải ổn định, chúng tôi đã tính đến khả năng trên. Đây là một chính sách cố gắng đảm bảo xuyên suốt trong trung hạn.

Tôi cũng khẳng định rằng, việc điều chỉnh các chính sách thuế vừa qua là phù hợp với tình hình thực tiễn!

Xin cảm ơn ông!

Báo cáo trước Quốc hội sáng ngày 21/10, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, khi ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, FTA Việt Nam – EU…, mức độ tự do hóa sẽ đạt 97-98% dòng thuế trong vòng 10 năm. Từ năm 2018 trở đi, mức thuế suất thuế nhập khẩu về cơ bản sẽ được xóa bỏ theo các cam kết thuế quan. Dự kiến đến giai đoạn 2028 - 2030, trên 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất theo các FTA là 0%. Việc giảm thu từ thuế xuất nhập khẩu đã gây khó khăn cho cân đối NSNN.

Trong khi đó, về tỉ lệ thuế, phí/GDP, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, TS Trần Đình Thiên cho biết, thu từ thuế và phí, không kể thu từ dầu thô, của Việt Nam hiện nay ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. Cụ thể, trung bình trong giai đoạn 2007-2012, tỷ lệ này ở Việt Nam là 21,6% GDP, Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia là 15,5%, Indonesia là 12,1% còn Ấn Độ chỉ là 7,8%.

Bích Diệp (thực hiện)

 

Ngân sách thiếu tiền, áp lực thuế phí “đè” lên vai người dân - 2