1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ngân sách “đi trên dây” và cơn đau đầu của Bộ trưởng Bộ Tài chính

(Dân trí) - Là một trong 3 Bộ trưởng “đúp” lại sau phiên họp cuối cùng của QH khóa 13 , Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng không thuộc nhóm những bộ trưởng ồn ào với những phát ngôn gây sốc trên báo chí.

Có lẽ sự cẩn trọng của người nắm giữ túi tiền quốc gia khiến ông khá dè dặt khi phát ngôn. Câu nói duy nhất của ông làm cho nhiều người phải “giật mình” đó là “điều hành ngân sách như đi trên dây”. Và mới đây, khi bản tin nợ công số 4 được công bố với số nợ lên tới hơn 1,8 triệu tỷ đồng lại khiến người đứng đầu bộ này lên cơn đau đầu.

Năm 2013, nền kinh tế thế giới lên cơn “co giật” bởi sự khủng hoảng lên tới đỉnh điểm. Việt Nam không thoát khỏi vòng suy thoái của thế giới, thu ngân sách 6 tháng đầu 2013 chỉ đạt trên 30%, nguy cơ mất cân đối ngân sách quá rõ ràng khiến các nhà kinh tế, hoạch định chính sách đứng ngồi không yên. Đúng thời điểm đó, ông Đinh Tiến Dũng được điều về nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính.


Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Rất nhiều người nghĩ ông Dũng sẽ chọn con đường dễ bằng cách đề xuất với Quốc hội, đặt ra cách chính sách thuế để tăng thu, giải cơn khát trước mắt cho ngân sách. Thế nhưng, trong tất cả các cuộc họp nội ngành, ông Dũng không làm thế mà đã yêu cầu cán bộ của mình không được gạn thu hoặc đẻ ra những chính sách để tăng thuế đối với doanh nghiệp, người dân.

Việc không chọn lối đi dễ đã khiến ông gặp khó khi có không ít cán bộ cấp dưới ngấm ngầm không ủng hộ và cho rằng ông tự mua dây buộc vào mình. Thế rồi bằng chính sách xiết chặt chống thất thu, chống gian lận thuế, nhiệm vụ thu ngân sách đã về đích vào phút chót. Có thể nói đó là bài tốt nghiệp đầu tiên của ông Bộ trưởng ngay năm đầu ông về nhậm chức.

Giữa lúc “túi tiền quốc gia” dường như ngày một cạn, trong nhiệm kỳ ngắn hơn 2 năm của mình, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và đồng sự đã lặng lẽ thực hiện những cải cách lớn lao về tài chính và một trong số những vấn đề quan trọng nhất là thực hiện cải cách thể chế tài chính, cải cách hành chính và thắt chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính công.

Ông Đinh Tiến Dũng đã đưa ra những quyết định khá "căn cơ" đối với ngành tài chính trong thời gian qua. Theo một số vị Đại biểu Quốc hội, ông Dũng đã đưa ra một loạt các chính sách rất ấn tượng sau hơn hai năm nhậm chức, chẳng hạn soạn thảo trình Quốc hội, Chính phủ ban hành tới 16 Luật, 6 Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; 208 Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng thời ban hành theo thẩm quyền hơn 1000 Thông tư, Thông tư liên tịch.

Khi ông Dũng bắt đầu áp đặt cho các cán bộ của mình phải cắt giảm hàng loạt các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan đã khiến nhiều người cho rằng ông đang vừa tự “húc đầu vào đá” bởi đó là thói trì trệ và nhóm lợi ích đã tồn tại “thâm căn cố đế” trong ngành Tài chính.

Hành động của ông Dũng được giới doanh nghiệp và người dân hoan nghênh khi rút ngắn được thời gian nộp thuế từ 537 giờ/năm xuống còn khoảng 117 giờ/năm đồng thời áp dụng khai thuế, hải quan điện tử nhưng đã làm mếch lòng không ít cán bộ trong ngành bởi ông đã tước mất ”đặc quyền, đặc lợi” của họ.

Không chỉ tự làm khó cho mình ở trong ngành mà ông Dũng còn làm mếch lòng hàng loạt các bộ ngành, địa phương như Bộ Kế hoạch Đầu tư khi đề xuất phải giảm dần chi thường xuyên và đầu tư công phải theo kế hoạch tài chính công. Ông cũng làm mếch lòng Bộ GTVT khi đề nghị phải lấy ý kiến người dân và để dân giám sát khi triển khai các dự án BOT giao thông; làm Bộ Công Thương không vui khi đề nghị bỏ ưu đãi với công nghiệp ô tô.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đồng ý tăng thuế, phí đối với khoáng sản theo đề nghị của các bộ ngành, địa phương nhưng cũng cài vào đó quy định bắt các địa phương phải công khai số phí thu được từ khai khoáng; đề nghị chuyển trách nhiệm trả nợ về cho địa phương chứ Trung ương không bao cấp nữa; lập chiến lược kết cấu lại nguồn thu ngân sách theo hướng giảm phụ thuộc vào dầu khí...

Dù đưa ra hàng loạt cải cách như vậy nhưng với con số nợ công vừa mới công bố lên tới 1,8 triệu tỷ đồng và tình trạng bội chi ngân sách vẫn đang có chiều hướng gia tăng không thể không làm Bộ trưởng Bộ Tài chính lên cơn đau đầu. Không đau đầu sao được khi nguồn thu có hạn, trong khi đó nhiệm vụ chi ngày càng lớn trong đó có không ít những công trình đầu tư cực lớn nhưng không hiệu quả gây lãng phí, thất thoát vô cùng lớn. Với con số nợ công như vậy, nếu không đảm bảo nguồn thu và tiết kiệm chi có thể dẫn đến vỡ nợ bất cứ lúc nào.

Chính vì “cơn đau đầu” này mà ông Dũng trong một lần phát biểu trước Thường vụ Quốc hội đã thẳng thắn “Điều hành ngân sách như đi trên dây” “Quốc hội quyết thế nào thì ra nợ công thế ấy”. Tuy nhiên trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói phải công tâm nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, nếu không có nợ công tăng nhanh thì không thể có hệ thống đường sá giao thông, bệnh viện, trường học và bộ mặt nông thôn được cải thiện tốt. Nhưng dù sao, giờ là lúc vấn đề nợ công phải được quản lý chặt chẽ và hiệu quả.

Ông cũng nói rằng tới đây, chắc chắn phải quy trách nhiệm rõ ràng, nghiêm minh cho những người có quyền chi tiêu ngân sách. "Các địa phương, các chủ dự án phải có trách nhiệm thu hồi vốn, bố trí ngân sách địa phương để hoàn trả. Vì thế, họ cần tính toán kỹ hiệu quả kinh tế của dự án trước khi quyết định vay hay không vay để đầu tư. Điều này đảm bảo hiệu quả của vốn vay, và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia”.

Hy vọng câu chuyện lành mạnh hóa bức tranh tài chính quốc gia, một bài toán khó khăn và đầy thử thách mà ông Đinh Tiến Dũng và đồng sự đang “đau đầu” sẽ tiếp tục được giải quyết một cách tốt nhất trong thời gian tới./.

Hà Nguyễn