1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngân sách "bỏ qua" 4.700 tỷ đồng cổ tức, nền kinh tế có thêm 50.000 tỷ đồng tín dụng?

(Dân trí) - BIDV cho rằng, năm 2015, BIDV và VietinBank không trả cổ tức bằng tiền mặt, tương đương với việc NSNN giảm thu khoảng 4.700 tỷ đồng từ nguồn cổ tức trong năm 2016 - chiếm một phần nhỏ, xấp xỉ 0,45% tổng thu NSNN nhưng khả năng sẽ mở rộng được thêm khoảng 50.000 tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế.

Trong khi đang có những tranh cãi về việc Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo người đại diện tại BIDV và VietinBank bỏ phiếu lại yêu cầu hai ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt, nộp về ngân sách nhà nước (NSNN) theo quy định của pháp luật thì mới đây, Trung tâm nghiên cứu của BIDV đã công bố báo cáo phân tích về lợi - hại của phương án này.

Trong báo cáo này, BIDV chỉ ra rằng, hệ số an toàn vốn (CAR) của khối ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) đang bị suy giảm nghiêm trọng. Hiện tại, chỉ số này của khối các NHTMNN chỉ còn 9,4%, gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của NHNN, thấp hơn mức bình quân của ASEAN là 10,3% (đồng thời tiêu chuẩn tính của Việt Nam thấp hơn).

Thông lệ quốc tế cho thấy, để nâng CAR, các ngân hàng sẽ ưu tiên thực hiện tăng vốn tự có hơn là thực hiện giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng/tài sản. Trong các giải pháp để tăng vốn, giải pháp tăng vốn từ nguồn lợi nhuận để lại được sử dụng là chính và trong các giải pháp gia tăng nguồn lợi nhuận để lại để tăng vốn, giải pháp tăng khả năng sinh lời đóng vai trò hạn chế.

Cổ tức mà NSNN có thể thu được từ BIDV và VietinBank khoảng 4.700 tỷ đồng
Cổ tức mà NSNN có thể thu được từ BIDV và VietinBank khoảng 4.700 tỷ đồng

Báo cáo cho rằng, áp lực tăng vốn của các NHTMNN Việt Nam hiện nay có nhiều đặc điểm giống các NHTM tại Hàn Quốc sau khủng hoảng 1997. Khi khủng hoảng tài chính 1997 xảy ra và qua đi, nền kinh tế Hàn Quốc đứng trước áp dụng cải tổ mạnh mẽ và trong đó có cả ngành ngân hàng. Để nâng cao năng lực tài chính cho các NHTMNN, Hàn Quốc xác định việc tăng vốn cho các ngân hàng từ nguồn ngân sách Nhà nước là không thể tránh khỏi.

Kết quả vào cuối năm 1998, Hàn Quốc đã bơm tổng cộng 64.000 tỷ Won (tương đương khoảng 15% GDP) để tái cơ cấu hệ thống tài chính, trong đó 1/2 lượng vốn này dùng để thực hiện tăng vốn cho các ngân hàng. Mục tiêu tăng vốn cho các NHTM Hàn Quốc được xác định là đưa CAR lên mức 10%.

Tuy nhiên, theo báo cáo, hiện nay các NHTMNN Việt Nam đang trong tình trạng nan giải khi thực hiện các giải pháp tăng vốn nhằm đảm bảo năng lực tài chính. Cụ thể, trong giai đoạn 2013 - 2014, theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước toàn bộ cổ tức của NHTMNN không được sử dụng để gia tăng năng lực tài chính của ngân hàng phải chuyển nộp về NSNN.

"Trong điều kiện các giải pháp tăng vốn khác chưa thực hiện được ngay thì việc tăng vốn từ nguồn lợi nhuận tạo ra của năm 2015 và 2016 là giải pháp thuận lợi nhất cho các ngân hàng, tuy nhiên giải pháp này đang gặp vướng mắc từ cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Tài chính (Thông tư 61/2016/TT-BTC yêu cầu phải chuyển toàn bộ cổ tức của cổ đông nhà nước về NSNN)" - báo cáo này cho hay.

Điều này theo BIDV, có thể ảnh hưởng đến cổ đông hiện hữu khác cũng như việc thu hút cổ đông mới trong tương lai. Ở khía cạnh khác, dường như các NHTMNN ngoài chức năng thực hiện chính sách tiền tệ vốn đã rất nặng nề đang phải gánh thêm áp lực từ chính sách tài khóa.

BIDV cho rằng, việc tăng vốn cho các NHTMNN đem đến những lợi ích đối với các ngân hàng được tăng vốn nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung. Năm 2015, BIDV và VietinBank không trả cổ tức bằng tiền mặt, tương đương với việc NSNN giảm thu khoảng 4.700 tỷ đồng từ nguồn cổ tức trong năm 2016 - chiếm một phần nhỏ, xấp xỉ 0,45% tổng thu NSNN, tuy nhiên việc cho phép BIDV và CTG được giữ lại phần lợi nhuận để lại này để tăng vốn đem lại những lợi ích dài hạn hơn.

Một trong những lợi ích đó là tạo điều kiện mở rộng tín dụng, phục vụ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu tín dụng lớn của các ngành kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, viễn thông..., đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền không có hoặc ít có lợi ích kinh tế trực tiếp (những lĩnh vực mà các NHTMCP và NHTMNN không đầu tư hoặc không có điều kiện đầu tư).

"Chỉ tính riêng việc tăng thêm 4.700 tỷ đồng vốn tự có cho BIDV và VietinBank, khả năng sẽ mở rộng được thêm khoảng 50.000 tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế", báo cáo tính toán.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn cho rằng, trong trung hạn và dài hạn, khi Nhà nước đầu tư cho các NHTMNN, số cổ tức hàng năm thu được thêm lớn hơn lãi suất tiết kiệm, cao hơn so với đầu tư vào các ngành khác (cao hơn nhiều lãi suất Chính phủ đi vay), đặc biệt khi các NHTM bán bớt phần vốn Nhà nước hoặc phát hành thêm cổ phần còn thu được thặng dư đáng kể.

Bích Diệp

Ngân sách "bỏ qua" 4.700 tỷ đồng cổ tức, nền kinh tế có thêm 50.000 tỷ đồng tín dụng? - 2