1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngân hàng Việt đua… xuất ngoại

(Dân trí) - Nhiều ngân hàng trong nước đã và đang tính tới việc mở rộng hoạt động của mình tại thị trường quốc tế thông qua việc lập chi nhánh. Bước đi đầu tiên của họ tới là các nước láng giềng gần…

Ngân hàng Việt đua… xuất ngoại - 1
Chi nhánh MB tại Lào.
 
Tận dụng lợi thế cận biên
 
Tiêu biểu cho trào lưu xuất ngoại của ngành ngân hàng Việt Nam, phải kể đến những cái tên như BIDV, Sacombank và gần đây nhất là MB… Điểm đến mà các ngân hàng Việt tính tới đầu tiên là khu vực Đông Dương, nhằm tận dụng lợi thế cận biên.
 
Tại thị trường Campuchia, sau khi đặt chi nhánh tại Phnom Penh vào cuối tháng 7/2009, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã khai trương thêm chi nhánh mới tại thành phố Siem Reap. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mới đây đã hoàn tất kế hoạch có mặt chính thức tại các nước Đông Dương.
 
Mới đây nhất, vào ngày 14/10, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã được cấp phép để mở chi nhánh tại Lào với số vốn đầu tư ban đầu là 12 triệu USD. Và đến đầu năm 2011, ngân hàng này dự kiến tiếp tục thành lập chi nhánh tại Campuchia.
 
Bà Cao Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc MB cho hay, ý tưởng xuất ngoại của MB đã có từ trước khá lâu, nhưng đến nay mới là “thời điểm chín muồi”, khi bản thân Viettel - đối tác và khách hàng lớn của MB - đã gặt hái được một số thành công ban đầu tại Lào và Campuchia.
 
Cũng theo bà Cao Thị Thúy Nga, đối tượng phục vụ mà MB nhắm đến tại nước bạn là các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực viễn thông, quốc phòng, dầu khí, than… đã đi tiên phong trước đó.
 
Những toan tính dài hơi
 
Tại Campuchia, có hai ngân hàng nước ngoài của Malaysia và Úc hiện chiếm thị phần lớn nhất. Còn tại Lào, chiếm thị phần lớn nhất vẫn là Ngân hàng Ngoại thương Lào. Một số ngân hàng nước ngoài khác như của Trung Quốc hay Hàn Quốc đang nhăm nhe ý định tiến vào hai thị trường này... Có ngân hàng hướng tới khách hàng doanh nghiệp, có ngân hàng hướng tới phân khúc bán lẻ.
 
Mặc dù đang đối diện với sự cạnh tranh gay gắt, nhưng các ngân hàng Việt sang thị trường Lào cũng có không ít thuận lợi nhất định. Theo một lãnh đạo ngân hàng, người dân Lào nhìn chung rất “mến” người Việt. “Bản chất văn hóa của họ cũng gần gũi với Việt Nam. Cứ nghe đến Việt Nam là họ giúp đỡ”. Văn hóa tương đồng và sự thân thiện là lợi thế không nhỏ để ngân hàng Việt “ghi điểm” với khách hàng bạn.
 
Trong việc tiếp cận thị trường nước bạn, các ngân hàng Việt cũng có nhiều lựa chọn. Trong khi BIDV liên doanh với đối tác trong nước để đầu tư lập ngân hàng tại Campuchia, thì Sacombank lập chi nhánh ở Lào và Campuchia và sau đó lên kế hoạch thành lập ngân hàng con 100% ở hai thị trường này.
 
Tương tự, MB cũng có chiến lược lập chi nhánh ở Lào, sau đó đánh giá thị trường và tiếp tới lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Chiến lược này cũng được MB dự kiến áp dụng ở thị trường Campuchia.
 
Theo bà Cao Thị Thúy Nga, ngân hàng Việt chọn các nước Đông Dương để làm điểm đến đầu tiên trong chiến lược xuất ngoại, là bởi các thị trường chưa thực sự phát triển như Lào, Campuchia sẽ giúp ngân hàng dễ dàng triển khai các sản phẩm dịch vụ và mở rộng mạng lưới hơn. Tuy nhiên, bà Nga cũng lưu ý, các ngân hàng Việt khi cần tính đến những rủi ro trong quản trị, cũng như xây dựng một chính sách hoạt động nhất quán để có thể đứng vững tại thị trường nước bạn.
 
Và suy cho cùng, khi mở rộng thị phần ra ngoài biên giới, các ngân hàng đều hướng tới cái đích xa hơn việc lập chi nhánh. Bởi, “về lâu dài, chúng tôi kỳ vọng chi nhánh MB tại Lào sẽ sớm trở thành một ngân hàng thương mại lớn mạnh”, bà Nga nói.
 
An Hạ