1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước: Sẽ sớm có quyết định giảm lãi suất điều hành

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu và sẽ sớm đưa ra quyết định về lãi suất điều hành trong thời gian tới, với mức giảm "tương đối tích cực".

Chiều nay 12/3, Ngân hàng Nhà nước họp báo về Thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Bên cạnh những giải pháp được đưa ra gần đây, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu và sẽ sớm đưa ra quyết định về lãi suất điều hành thời gian tới, với xu hướng giảm.

Ông Tú cho hay, giảm lãi suất điều hành là một cơ chế chính sách, giải pháp giúp các tổ chức tín dụng có thanh khoản dồi dào, có thêm điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp. Hé lộ sẽ sớm thực hiện trong thời gian tới, theo ông Tú mức giảm lãi suất sẽ "tương đối tích cực".

Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các tổ chức tín dụng phải có phương án nghiên cứu phân định loại nợ, xác định nợ, đánh giá nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn, hoãn, giãn, tái cơ cấu thời hạn trả nợ, hỗ trợ doanh nghiệp ở tình thế khó khăn. Các tổ chức tín dụng chủ động trích lập lãi dự thu phải làm theo đúng quy định, chủ động giảm bớt chi phí đặc biệt là chi phí quản lý hành chính.

Riêng đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội phải xây dựng kịch bản chương trình hành động nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gặp khó khăn và các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Ngân hàng Nhà nước: Sẽ sớm có quyết định giảm lãi suất điều hành - 1
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các tổ chức tín dụng phải có phương án nghiên cứu phân định loại nợ, xác định nợ, đánh giá nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn, hoãn, giãn, tái cơ cấu thời hạn trả nợ, hỗ trợ doanh nghiệp ở tình thế khó khăn.

Hôm nay 12/3, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thông tư đảm bảo cơ sở pháp lý hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Quan điểm xây dựng Thông tư là tạo điều kiện tối đa về thẩm quyền trách nhiệm để các tổ chức tín dụng phối hợp cùng với khách hàng vay vốn xem xét quyết định mức độ thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu các khoản vay, các khó khăn do tác động của dịch bệnh. Đồng thời, Thông tư mới cũng làm rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và khách hàng vay vốn khi thực hiện chính sách hỗ trợ này, đảm bảo đúng đối tượng, tính khách quan và không được lợi dụng.

Điều 5 Thông tư quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch Covid-19.

Thông tin từ ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế cho biết, hiện đã có 23 tổ chức tín dụng báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước, ước tính có khoảng 926 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 đơn vị này, và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Hiện tại, các ngân hàng đã khẩn trương rà soát tình hình khách hàng vay vốn để chủ động xây dựng chương trình, kịch bản hành động nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn và bước đầu ghi nhận hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng thông qua các biện pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí...

 An Hạ