1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc “khóc dở, mếu dở” vì đổi chứng minh thư?

(Dân trí) - Trong quá trình triển khai Luật Căn cước công dân trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc chỉ đạo, xử lý vướng mắc của tổ chức tín dụng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng như bảo đảm an toàn trong các giao dịch ngân hàng.

Sau khi Dân trí phản ánh về việc người gửi tiền “khóc dở, mếu dở vì đổi chứng minh thư” khi đi rút tiền tại các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có phản hồi về vấn đề này.

Theo NHNN, ngay sau khi Thông tư 18/2014/TT-BCA được ban hành, tháng 5/2014, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của Thông tư này trên toàn hệ thống ngân hàng để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nắm bắt và thực hiện nghiêm chỉnh, đảm bảo thuận tiện, an toàn cho người dân khi tham gia giao dịch với ngân hàng bằng CMND mới.

“Từ thời điểm Thông tư 18/2014/TT-BCA ban hành đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa nhận được kiến nghị về các khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như của người dân trong việc thực hiện các giao dịch rút tiền tại ngân hàng khi sử dụng CMND 12 số mà không còn CMND 9 số”, NHNN khẳng định.

Do đó, trong quá trình triển khai Luật Căn cước công dân trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc chỉ đạo, xử lý vướng mắc của tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân khác (nếu có) để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng như bảo đảm an toàn trong các giao dịch ngân hàng.


Trụ sở Ngân hàng Nhà nước

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước

Theo quy định mới, từ ngày 1/1/2016, Bộ Công An cho phép có ba loại giấy tờ tùy thân được cùng tồn tại là CMND 9 số (CMND cũ); CMND 12 số (CMND mới) và Thẻ Căn cước. Những người đang có chứng minh thư 9 số (chứng minh thư cũ) có thời hạn không vượt quá 15 năm, vẫn được sử dụng bình thường. Tuy nhiên, những người 14 tuổi trở lên khi đăng ký làm chứng minh thư tại cơ quan quản lý hộ tịch sẽ được làm CMND mới 12 số hoặc thẻ căn cước.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số độc giả báo Dân trí, trường hợp người bị mất chứng minh thư cũ, làm lại chứng minh thư mới đang gặp khó khăn trong giao dịch ngân hàng.

Được biết, theo quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 (có hiệu lực từ 01/01/2016) thì từ 1/1/2016, ở các địa phương triển khai việc cấp CMND 12 số và cấp thẻ Căn cước công dân sẽ có thể có 03 loại giấy tờ tùy thân cùng tồn tại là: CMND 9 số (chưa hết thời hạn), CMND 12 số và Thẻ Căn cước công dân. Các giấy tờ tùy thân này đều có giá trị pháp lý trong các giao dịch dân sự, thủ tục hành chính (trong đó có giao dịch ngân hàng).

Về việc chuyển đổi CMND 9 số sang CMND 12 số: Triển khai cấp mẫu Giấy CMND 12 số mới, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 18/2014/TT-BCA ngày 29/4/2014 hướng dẫn cụ thể việc thu, nộp và xử lý CMND khi công dân đổi CMND từ 9 số sang CMND 12 số. Theo đó, khi công dân làm thủ tục cấp đổi CMND từ 9 số sang CMND 12 số thì cán bộ làm thủ tục sẽ cắt góc của CMND 9 số và trả CMND 9 số đã cắt góc cho người dân. Đồng thời, ngay khi nhận CMND đã được cắt góc theo quy định hoặc sau một thời gian, nếu công dân yêu cầu thì cơ quan thu hồi CMND 9 số có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số CMND cho công dân đó.

Việc cấp Giấy xác nhận số CMND cho công dân nêu trên cũng đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 05/2014/TT-BCA ngày 22/01/2014 của Bộ Công an quy định biểu mẫu sử dụng trong công tác cấp, quản lý CMND. Theo đó Mẫu Giấy này do cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị đổi, cấp lại CMND cho công dân lập để xác nhận số CMND (9 số) đã được cấp lần gần nhất khi công dân có yêu cầu đổi, cấp lại CMND mới (12 số). Thủ trưởng đơn vị nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị đổi, cấp lại CMND ký giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của công dân.

Về chuyển đổi CMND sang Thẻ căn cước công dân: Để triển khai Luật Căn cước công dân, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 66/2015/TT-BCA ngày 15/12/2015 quy định về Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân tại Điều 13 Thông tư này. Theo đó, Mẫu Giấy xác nhận này do cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân lập xác nhận khi công dân có yêu cầu xác nhận số Chứng minh nhân dân cũ.

Như vậy, với việc sử dụng CMT mới và thẻ căn cước công dân trong giao dịch với ngân hàng, NHNN cho hay: Vướng mắc của người dân khi sử dụng thẻ căn cước công dân và chứng minh thư mới trong giao dịch với ngân hàng (như rút tiền mặt) đã được xử lý đầy đủ và toàn diện bởi các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, đặc biệt từ thời điểm ban hành Thông tư 18/2014/TT-BCA. Theo đó, khi công dân có sử dụng CMND 12 số hoặc Thẻ căn cước công dân sau khi cấp đổi từ 9 số hoặc sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho CMND trước đây (hết hạn/mất) trong các giao dịch (bao gồm rút tiền tiết kiệm) với ngân hàng mà không còn CMND 9 số, người dân có thể xuất trình Giấy xác nhận thay đổi số CMND do cơ quan công an cấp để chứng minh nhân thân (bao gồm các nội dung liên quan đến CMND 9 số cũ).

Nguyễn Hiền

Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc “khóc dở, mếu dở” vì đổi chứng minh thư? - 2