1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước nói gì về giảm lãi suất diện rộng?

(Dân trí) - "Ngân hàng Nhà nước có đủ năng lực, nguồn lực, công cụ cũng như các phương án cần thiết để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; điều hành ổn định lãi suất và tỷ giá...".

Ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết về những quyết định cắt giảm lãi suất điều hành.

Bắt đầu từ ngày 17/3, Ngân hàng Nhà nước giảm đồng loạt các lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi và cả trần lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,25% - 1%/năm. Các quyết định này được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước cắt giảm lãi suất để đối phó với dịch Covid-19 bùng phát.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01 quy định việc các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng. Đây là giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân kinh doanh gặp khó khăn do suy giảm doanh thu, rất cần được tháo gỡ kịp thời.

Sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm mạnh và bất thường lãi suất điều hành về mức 0-0,25%/năm chỉ trong vòng 2 tuần, nhiều ngân hàng trung ương đã có các động thái tương tự, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm các mức lãi suất để góp phần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay vốn.

Theo đó, quyết định của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là phù hợp với diễn biến thị trường quốc tế, áp lực lạm phát đã giảm bớt do giá dầu giảm mạnh, và đặc biệt là được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước đã được củng cố vững chắc trong những năm qua.

Việc giảm các lãi suất điều hành trong đó có lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chào mua OMO phát tín hiệu về sự sẵn sàng của Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các tổ chức tín dụng khi cần tiếp cận vốn.

Ngân hàng Nhà nước nói gì về giảm lãi suất diện rộng? - 1
Ông Phạm Thanh Hà – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết về những quyết định cắt giảm lãi suất điều hành ngày 17/3.

Đề cập rõ hơn về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết: Quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước là hỗ trợ giảm lãi suất đối với các nhu cầu vay vốn trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Bên cạnh các giải pháp miễn, giảm lãi trong thời gian qua, việc giảm 0,5%/năm đối với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên sẽ làm giảm chi phí vốn của doanh nghiệp.

"Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành để phát tín hiệu rõ ràng, mạnh mẽ sẵn sàng hỗ trợ tổ chức tín dụng trong trường hợp cần tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước giảm nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng (lãi suất trên 6 tháng vẫn theo cơ chế thỏa thuận) sẽ tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng kéo dài kỳ hạn; qua đó thuận lợi hơn trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng theo quy định", ông Hà nói.

Theo ông Phạm Thanh Hà, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt diễn biến thị trường tài chính toàn cầu (lãi suất, tỷ giá, giá dầu,…) qua đó cập nhật, phân tích, dự báo để sử dụng linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ tại thời điểm và với liều lượng hợp lý.

"Với kinh nghiệm điều hành trong điều kiện thị trường biến động những năm qua, Ngân hàng Nhà nước hiện có đủ năng lực, nguồn lực, công cụ cũng như các phương án cần thiết để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; điều hành ổn định lãi suất và tỷ giá, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết, đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại tệ hoạt động thông suốt", ông Phạm Thanh Hà khẳng định.

An Hạ