1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục chính sách thận trọng”

“Nếu chúng ta thúc đẩy quá mạnh mẽ chính sách tiền tệ trong bối cảnh này thì có 3 nguy cơ sau: Một là thiếu nguồn lực, hai là áp lực lạm phát, ba là đồng tiền không hiệu quả do chảy vào những chỗ không mong muốn. Tuy nhiên, chính sách thận trọng nhưng vẫn phải bám sát thị trường”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận xét về chính sách điều hành tiền tệ hiện nay.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
 
Ông đánh giá thế nào về quan điểm: lãi suất ngân hàng (bị cho là còn ở mức cao) là nguyên nhân chính khiến số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động năm 2014 còn lớn?

Mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm gần như là tối đa, vì đã thấp hơn một chút so với những năm 2005- 2006, lại khá sát so với diễn biến lạm phát hiện nay. Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với VNĐ từ khoảng 6,5%-8,5%/năm, trung và dài hạn từ 9,5%-10%/năm, một số khoản vay khác khoảng 11%/năm, như vậy không quá cao.

Hơn nữa, qua khảo sát của một số ngân hàng mới đây về nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, lãi suất không phải là cản trở lớn đối với vay vốn của doanh nghiệp, mà vấn đề họ quan tâm là vay về làm gì. Đương nhiên, về phía các doanh nghiệp cũng mong muốn ngân hàng cải cách thủ tục giấy tờ trong hoạt động tín dụng và làm sao có thể cho vay tín chấp nhiều hơn nữa vì vấn đề khó khăn của họ là tài sản đảm bảo.

Thời gian qua, doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Lý do cơ bản là bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn. Cũng có những doanh nghiệp khó khăn do nợ ngân hàng, nhưng thời gian qua ngân hàng đã cơ cấu lại mạnh mẽ các khoản vay này.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố số liệu cơ cấu lại nợ gần bằng số liệu nợ xấu, tức là chiếm khoảng 4% tổng dư nợ, đã giúp doanh nghiệp tái sản xuất và phục hồi sản xuất.

Một số doanh nghiệp khác giải thể, phá sản do thay đổi lĩnh vực kinh doanh hoặc điều hành có vấn đề. Ngoài ra, còn có lý do về thị trường với những tác động khách quan về địa chính trị, nên doanh nghiệp không xuất khẩu được nữa.

Theo quan sát của ông, ngành Ngân hàng thực sự có muốn vốn chảy vào sản xuất thực hay chỉ vào những lĩnh vực có bảo lãnh của Chính phủ như trái phiếu Chính phủ, đầu tư công?

Dòng vốn tín dụng đã và đang chảy vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của 5 lĩnh vực ưu tiên, chính vì thế, tốc độ tăng trưởng của những lĩnh vực ưu tiên hiện nay cao hơn so với mặt bằng chung. Chẳng hạn, cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu khoảng 10-12% so với tốc độ tăng chung 9 tháng vừa qua là 7,26%.

Dòng tín dụng vào chứng khoán, bất động sản giảm rất nhiều so với trước đây vì có van điều tiết của NHNN vào năm 2011 cũng như có tỉ lệ khống chế cho vay vào chứng khoán hiện nay. Đồng thời, NHNN không khuyến khích cho vay bất động sản bằng việc áp dụng tỉ trọng rủi ro là 250% so với cho vay thông thường.

Mặt khác, ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên họ biết phải đem số tiền nhàn rỗi đi đầu tư. Chính vì thế, một phần vốn nhàn rỗi của ngân hàng trong thời gian vừa qua được đầu tư vào trái phiếu chủ yếu là trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên, theo tính toán của chúng tôi, từ đầu năm đến nay, số dư trái phiếu chính phủ tăng lên một khoảng tương đương 2.5% tăng trưởng tín dụng, thông qua việc mua Trái phiếu chính phủ hệ thống ngân hàng đã tăng thanh khoản vào nền kinh tế. Nếu như số vốn đó được Chính phủ đem đi giải quyết những dự án đầu tư công, những dự án liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản thì lại tốt và tạo ra tính lan tỏa.

Sự thành lập và kết quả hoạt động bước đầu của VAMC có tác động thế nào đến vấn đề xử lý nợ xấu của Việt Nam? Nếu không thành lập  VAMC, liệu Việt Nam còn có cách nào khác để xử lý không?

Về mặt lý thuyết, có 3 phương án để xử lý nợ xấu. Thứ nhất, các ngân hàng tự xử lý nợ xấu bằng trích lập dự phòng rủi ro. Thứ hai, các ngân hàng tự thành lập công ty xử lý nợ xấu của riêng mình. Nhưng thực tế đã cho thấy, cả hai phương án này đều chưa thể giải quyết được bài toán nợ xấu.

Vì vậy, ngành Ngân hàng buộc phải thực hiện phương án thứ ba là thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam là VAMC và đó cũng là cách làm phổ biến của các nước khi quy mô xử lý nợ xấu tương đối lớn so với nền kinh tế. Chúng ta không nên lật lại câu chuyện có nên thành lập VAMC hay không, bởi đó là điều gần như bắt buộc, tất yếu phải xảy ra trong thời gian vừa qua.

Về những việc VAMC đã làm trong thời gian vừa qua, theo tôi có những điểm tích cực như sau: Thứ nhất, VAMC đã mua được số lượng nợ xấu khá lớn, khoảng 90.000 tỷ VND. Thứ hai, đã có một địa chỉ để gom nợ xấu của hệ thống ngân hàng lại. Thứ ba, những việc làm này đã thể hiện nỗ lực cam kết của Chính phủ, các Bộ ngành và NHNN trong xử lý nợ xấu, khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế. Điều này cũng cho thấy, Việt Nam đang đi theo thông lệ quốc tế bằng cách thành lập một tổ chức quốc gia để mua bán nợ.

VAMC sau khi mua nợ về rất tích cực tái cơ cấu khoản nợ đã mua chứ không phải quyết định bán đi 100% và đã cơ cấu lại được khoảng 5.000 đến 7.000 tỷ VND. Tuy nhiên, hiện nay, do một số vướng mắc về mặt pháp lý và thị trường mà VAMC chưa thể giải quyết được ngay nợ xấu đã mua về. Ví dụ về mặt pháp lý, việc xử lý tài sản đảm bảo và cưỡng chế bên đi vay ở nước ta không thuận lợi như các nước khác và cần có nhiều thời gian hơn.

Vừa rồi, Chính phủ cũng đã tháo gỡ khía cạnh này. Ngoài ra, thị trường mua bán nợ chưa được hình thành ở Việt Nam. Gần đây, chúng ta mới “bật đèn xanh” cho việc bán nợ dưới giá đã mua vào, vì ngay từ đầu, NHNN và VAMC đã không muốn mất tiền ngân sách, vì thế muốn giữ nguyên giá, tức là mua về bao nhiêu bán bấy nhiêu. Điều đó không thể khả thi trong điều kiện nợ xấu, vì thế, thời gian tới, VAMC chắc chắn phải bán nợ dưới giá của mình. Ở Malaysia, giá mà công ty đó bán lại nợ bằng khoảng 50% - 55% giá đã mua về và tài sản đảm bảo chỉ bằng 30%-40% giá trị tài sản đảm bảo.

Vốn điều lệ của VAMC cũng cần được nghiên cứu để tăng lên nhằm tạo ra cú hích, chứ không nhất thiết phải tăng quá nhiều. Thông thường, cần có 3 nguồn vốn để xử lý nợ xấu: vốn điều lệ thì chúng ta không có khoản nào; nguồn VAMC mua về, bán đi và lấy mỡ nó rán nó; và nguồn trái phiếu. Một ví dụ là Hàn Quốc lấy từ nguồn trái phiếu tới 96%. Nếu như tháo gỡ được những vướng mắc trên thì quá trình xử lý nợ xấu sẽ được đẩy nhanh hơn.

Trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo và tiềm ẩn rủi ro, nhu cầu nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh của quốc gia rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp, chính sách tiền tệ của NHNN nên thận trọng hay tiên phong, táo bạo?

Quan điểm của tôi cũng như các tổ chức quốc tế hiện nay cho rằng: NHNN phải tiếp tục chính sách tiền tệ thận trọng vì những lý do sau: Thứ nhất, tiền tệ, ngân hàng luôn là lĩnh vực nhạy cảm. Thứ hai, nguồn lực hạn chế mà lại phải xử lý nhiều vấn đề cùng một lúc, nào là tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, rồi chi phí cho lĩnh vực an ninh quốc phòng cũng phải tăng lên, trong khi nợ công cao và tăng liên tục trong thời gian qua.

Nếu chúng ta thúc đẩy mạnh mẽ chính sách tiền tệ thì có 3 nguy cơ sau: Một là thiếu nguồn lực, hai là áp lực lạm phát, ba là đồng tiền không hiệu quả do chảy vào những chỗ không mong muốn. Tất nhiên, quan điểm của chúng tôi là: chính sách thận trọng nhưng phải bám sát thị trường.

Lê Thoa (Thực hiện)