1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ngân hàng MDB chính thức “về một nhà” với Maritime Bank

(Dân trí) - Maritime Bank sau sáp nhập chính thức được bổ sung nguồn lực với tổng tài sản 111.753 tỷ đồng, vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 14.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có Quyết định số 1391/QĐ-NHNN về việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Maritime Bank cho hay: Nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình sáp nhập MDB vào Maritime Bank là kế thừa và đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của khách hàng, cổ đông và người lao động.

Theo đó, quyền lợi hợp pháp của khách hàng gửi tiền tại MDB trước đây vẫn được Maritime Bank đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước. Sau thời điểm hợp nhất 2 hệ thống corebanking, khách hàng hiện tại của MDB có thể giao dịch chính thức tại tất cả các điểm giao dịch của Maritime Bank trên cả nước.

Ngân hàng MDB chính thức “về một nhà” với Maritime Bank.
Ngân hàng MDB chính thức “về một nhà” với Maritime Bank.

Được biết, Maritime Bank sau sáp nhập chính thức được bổ sung nguồn lực với tổng tài sản 111.753 tỷ đồng, vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 14.000 tỷ đồng, đội ngũ nhân sự hơn 5.000 người, hệ thống giao dịch gần 300 điểm, số lượng khách hàng trên toàn quốc đạt hơn 1,4 triệu khách hàng cá nhân, gần 30.000 khách hàng doanh nghiệp, 600 doanh nghiệp lớn và định chế tài chính.

Với quy mô này, hiện tại Maritime Bank là ngân hàng có vốn điều lệ thuộc top 3 và mạng lưới giao dịch thuộc top 5 trong khối ngân hàng thương mại cổ phần. Tỷ lệ nợ xấu trong năm qua cũng được MDB và Maritime Bank kiểm soát dưới mức quy định của Ngân hàng Nhà nước, lần lượt ở mốc 2,71% và 2,61%.

Thông tin từ NHNN cho hay: Cùng với việc chấp thuận cho MDB chính thức “về một nhà” với Maritime Bank, giấy phép hoạt động số 0022/NH-GP ngày 12/9/1992 do Thống đốc NHNN cấp cho Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông hết hiệu lực thi hành.

Theo đó, NHNN yêu cầu Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông; Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam có trách nhiệm: Hoàn tất các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; Bố cáo sáp nhập theo quy định của pháp luật; Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Ngược lại, Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông có trách nhiệm bàn giao toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông hoàn trả NHNN bản gốc Giấy phép hoạt động số 0022/NH-GP ngày 12/9/1992 do Thống đốc NHNN cấp cho Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông; Thực hiện thủ tục xóa tên Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông trong sổ đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; Bố cáo sáp nhập, bố cáo chấm dứt hoạt động và việc giải quyết các quyền và nghĩa vụ có liên quan theo quy định của pháp luật; Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/8 tới.

 Nguyễn Hiền


Dưa lưới vàng Trung Quốc đang được bày bán la liệt trên đường
phố Hà Nội