1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Ngân hàng “đứng cho vay, quỳ thu nợ”!

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, Chủ tịch Công ty Luật BASICO đã dùng cụm từ rất hình tượng để nói về cảnh ngân hàng cho vay và đòi nợ “đứng cho vay, quỳ thu nợ”. Cầm chắc tài sản bảo đảm song không có nghĩa ngân hàng “nắm đằng chuôi”…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Sợ nhất khách hàng không hợp tác

 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Đó là chia sẻ của rất nhiều ngân hàng khi đề cập đến những khó khăn khi thu hồi nợ. Theo quy định, ngân hàng cho vay tối đa 70% giá trị tài sản bảo đảm và về lý thuyết, khi khách hàng không trả được nợ, với tài sản bảo đảm ngân hàng hoàn toàn có thể thu hồi được nợ mà không bị mất vốn.

 

Thế nhưng thực tế không đơn giản. Trực tiếp làm việc với Agribank Hải Dương mới đây, đại diện ngân hàng này cho biết, năm 2014 nợ xấu của chi nhánh này chỉ 1,02%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ nợ xấu chung của Agribank (khoảng trên 4%) thế nhưng vấn đề thu hồi nợ cực kỳ nan giải. Hiện chi nhánh này vẫn còn 3 khoản nợ lớn với khoảng 20 tỷ đồng.

 

“Có vụ khởi kiện từ tháng 7/2013 nhưng đến nay vẫn chưa xét xử do khách hàng không hợp tác, lợi dụng yếu tố pháp luật để trì hoãn thời gian xét xử. Có những vụ xét xử rồi nhưng 5 năm thi hành án không xong…”- đại diện ngân hàng ngao ngán.

 

Với các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thì sự nhọc nhằn, vất vả còn nhân lên gấp bội với rất nhiều sức ép. Điều này có thể hiểu vì sao một số ngân hàng đã phải trực tiếp đứng ra “xiết nợ” bằng cách niêm phong căn hộ là tài sản thế chấp của khách hàng mà không đợi khởi kiện ra tòa.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, việc thu hồi nợ của ngân hàng thường gặp 3 trường hợp. Thứ nhất, khách hàng tự nguyện trả nợ đúng hạn hoặc hợp tác để bán tài sản trả nợ cho ngân hàng. Thứ hai, khách hàng không tự nguyện, nhưng ngân hàng tạo sức ép, đứng ra bán tài sản để thu hồi nợ và khách hàng không có kiện cáo gì. Còn trường hợp thứ ba là khách hàng chây ỳ, không trả nợ cũng không giao tài sản thì buộc phải đưa ra tòa để tòa xử và sau đó tòa thực hiện thi hành án theo bản án đã xử.

 

“Việc niêm phong và dán thông báo của ngân hàng cũng chỉ là một biện pháp cảnh báo để chủ nhà phải hợp tác, trả nợ… Lâu nay, ngân hàng thường ngại ảnh hưởng đến tiếng tăm nên không muốn làm căng…”, Luật sư Đức nhận xét về vụ xiết nợ mới đây của một ngân hàng.

 

Chênh vênh pháp lý

 

Trong quan hệ cho vay bằng tài sản đảm bảo, việc thu giữ và xử lý đối với tài sản đảm bảo đã được quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN. Cụ thể, Điều 63 Nghị định 163 ghi rõ: “Bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản bảo đảm cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết”.

 

Khi thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, người xử lý tài sản có trách nhiệm: Thông báo trước cho người giữ tài sản trong một thời hạn hợp lý và không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, thế nào là điều cấm trong thu giữ tài sản đảm bảo hay thế nào là trái đạo đức xã hội thì chưa rõ ràng (!?).

 

“Thực tế, trong nhiều trường hợp, khách hàng dù có khả năng trả nợ nhưng vẫn không trả nợ, tìm mọi cách chây ỳ, nhởn nhơ trước pháp luật. Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo đã quy định rõ, ngân hàng được toàn quyền thu giữ, xử lý, phát mại tài sản thế chấp, tuy nhiên trên thực tế, ngân hàng thực hiện việc này là vô cùng khó khăn bởi nguyên tắc thì có, nhưng phải làm thế nào để “hài hòa”, “hợp lý”, tránh sự phản đối, kiện cáo… thì lại phụ thuộc vào thiện chí của bên kia…” - Luật sư Đức phát biểu.

 

Theo ông Đức, mọi việc đều có nguyên do từ quy định của pháp luật. “Ở đây có “lỗ hổng” pháp lý dẫn đến định hướng hành vi của các bên trên thực tế. Luật quy định không trả được nợ sẽ bị thu hồi tài sản, nhưng khi chủ tài sản không chấp nhận việc phát mại, lại không phải chịu hậu quả pháp lý nghiêm khắc, bất lợi hơn. Chế tài không đủ mạnh, chấp hành không nghiêm, tình trạng nợ xấu sẽ vẫn còn nan giải…”- Luật sư Đức khẳng định.

 

VAMC cũng gặp khó khi thu hồi nợ

 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong một lần chia sẻ với báo chí mới đây than rằng VAMC cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi nợ.

 

Ông Hùng cho biết, nhiều trường hợp đã đạt được thỏa thuận với khách hàng nhưng đến khi bàn giao, họ tìm mọi cách trì hoãn, thậm chí viết đơn thư kêu ca khắp nơi  rằng: “Sao doanh nghiệp đang “sống” mà VAMC lại xiết nợ?”.

 

Theo Hiểu My

Pháp Luật Việt Nam
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”