1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt phải sáp nhập, hợp nhất

(Dân trí) - Khi bị đặt trong diện kiểm soát đặc biệt, nếu không thể tăng được vốn điều lệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu chủ sở hữu tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng, trình kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại với các TCTD khác.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 07 quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng, có hiệu lực thi hành từ ngày 27/4/2013.

Western Bank buộc phải tái cơ cấu (ảnh minh họa).
Western Bank buộc phải tái cơ cấu (ảnh minh họa).

Theo quy định của thông tư, trong trường hợp TCTD bị đặt trong diện kiểm soát đặc biệt, NHNN có quyền yêu cầu chủ sở hữu TCTD đó thực hiện tăng vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động trong 1 thời gian cụ thể; hoặc yêu cầu chủ sở hữu TCTD bị kiểm soát đặc biệt xây dựng, trình NHNN kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại với các TCTD khác trong trường hợp TCTD đó không thể tăng được vốn điều lệ theo yêu cầu trong thời gian NHNN giao.

Đồng thời, NHNN có quyền thực hiện hoặc chỉ định TCTD khác thực hiện việc tham gia góp vốn, mua cổ phần của TCTD được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp TCTD không thể thực hiện được yêu cầu tăng vốn hoặc khi NHNN xác định số lỗ lũy kế của TCTD được kiểm soát đặc biệt ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và việc chấm dứt hoạt động của TCTD được kiểm soát đặc biệt để gây mất an toàn hệ thống TCTD.

Cũng theo lý giải của thông tư, kiểm soát đặc biệt là việc một TCTD bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật dẫn đến nguy cơ mất an toàn hoạt động. Còn thời gian kiểm soát đặc biệt là từ khi NHNN có quyết định đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt đến khi có quyết định chấm dứt.

Căn cứ vào thực trạng tài chính, mức độ rủi ro và vi phạm pháp luật của TCTD, NHNN sẽ quyết định đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt dưới hình thức giám sát đặc biệt hay kiểm soát toàn diện.

Như vậy, với nội dung thông tư này, Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành những quy định bắt buộc đối với các TCTD bị kiểm soát đặc biệt. Trước đó, phương châm của NHNN trong việc xử lý TCTD yếu kém là tạo điều kiện cho TCTD này sáp nhập, hợp nhất trên nguyên tắc tự nguyện và quy định của pháp luật.

Và cùng với việc quy định về kiểm soát đặc biệt đối với các TCTD yếu kém, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng quy định về việc thành lập Ban kiểm soát đặc biệt. Trong đó, Thống đốc NHNH sẽ quyết định thành phần, số lượng và cơ cấu Ban kiểm soát đặc biệt. Thành viên của Ban kiểm soát đặc biệt là cán bộ của NHNN, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, các chuyên gia ngân hàng, cán bộ của TCTD.

Thành viên Ban kiểm soát đặc biệt không được là người có liên quan với thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, tổng giám đốc và cổ đông lớn của TCTD bị kiểm soát đặc biệt.

Ban kiểm soát đặc biệt có quyền yêu cầu TCTD kiểm kê toàn bộ tài sản hiện có hoặc thuê tổ chức kiểm toán độc lập, cơ quan chuyên môn đánh giá thực trạng tài chính, định giá tài sản và xác định giá trị doanh nghiệp của TCTD.

Ban Kiểm soát cũng có quyền yêu cầu TCTD mời hoặc trực tiếp mời các khách nợ, chủ nợ đến đối chiếu công nợ với TCTD bị kiểm soát đặc biệt để xác định khả năng thu nợ, trả nợ. Ban này cũng sẽ có trách nhiệm xây dựng, trình Thống đốc NHNN phê duyệt phương án tham gia góp vốn, mua cổ phần của TCTD bị kiểm soát đặc biệt.

Khi bị kiểm soát đặc biệt, TCTD phải xây dựng phương án củng cố tổ chức và hoạt động theo yêu cầu của Ban kiểm soát đặc biệt. Phương án bao gồm các nội dung như thực trạng tài chính và hoạt động của TCTD (nêu rõ khó khăn, yếu kém, rủi ro...); nguyên nhân TCTD bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt…

Thành lập ban chỉ đạo triển khai Đề án cơ cấu lại TCTD

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành triển khai Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015" ban hành kèm theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012. Ban chỉ đạo gồm 14 thành viên, trong đó Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình làm Phó Trưởng Ban thường trực.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo các mục tiêu, định hướng nêu tại Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015".

Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp xử lý những vấn đề quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương xử lý các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành và địa phương trong phạm vi Đề án.

Tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương, đồng thời tăng cường trách nhiệm, sự tham gia, phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.

Nguyễn Hiền