1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nếu giá điện tăng 8-10%, điều gì sẽ xảy ra với các chỉ tiêu vĩ mô?

(Dân trí) - Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nếu giá điện tăng 8-10% sẽ làm lạm phát tăng khoảng 0,3-0,4 điểm %. Trong khi đó, Tổng cục Thống kê tính toán, trong trường hợp giá điện tăng 10% thì sẽ tác động làm CPI tăng 0,27% và song song với đó, GDP cũng giảm 0,43%.

Giá điện đang chịu áp lực tăng giá nhưng việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng lớn đến chỉ số lạm phát và tăng trưởng.
Giá điện đang chịu áp lực tăng giá nhưng việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng lớn đến chỉ số lạm phát và tăng trưởng.

Tại báo cáo kinh tế vĩ mô vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) công bố, cơ quan này nhận định, từ nay đến cuối năm, lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng giảm do giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống đang được ổn định.

Do đó, nếu không có sự đột biến về giá hàng hóa thế giới cũng như chưa tính đến việc điều chỉnh giá dịch vụ công trong những tháng cuối năm thì lạm phát năm 2017 khoảng 2,6% và lạm phát bình quân là 2,65%.

Tuy nhiên, UBGSTCQG cũng ước tính, nếu giá dịch vụ công được điều chỉnh tương đương bằng nửa mức điều chỉnh của năm 2016 sẽ làm lạm phát tăng khoảng 1,8 - 2 điểm %.

Bên cạnh đó, nếu tỷ giá USD/VND tăng 1% sẽ làm lạm phát tăng thêm 0,17 điểm %. Nếu giá điện tăng 8-10% sẽ làm lạm phát tăng khoảng 0,3-0,4 điểm %.

Một tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong trường hợp giá điện tăng 3% thì sẽ tác động làm CPI tăng 0,081%; tăng 5% làm CPI tăng 0,189% và tăng 7% cũng sẽ tác động làm CPI tăng 0,243%. Và nếu giá điện tăng 10% thì sẽ tác động làm CPI tăng 0,27% và song song với đó, GDP cũng giảm 0,43%.

Theo phản ánh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), áp lực lên giá thành sản xuất điện rất lớn khi tổng chi phí sản xuất kinh doanh tăng thêm do biến động các yếu tố đầu vào (giá than, khí, dầu,…) trong năm 2017 là hơn 7.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn chưa có chủ trương xem xét điều chỉnh giá điện.

Trước đó, trong tháng 5, CPI đã giảm 0,53% so với tháng trước, tăng 3,19% so với cùng kỳ và tăng 0,37% so với đầu năm. Như vậy, lạm phát bình quân 5 tháng đầu năm tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát tháng 5 giảm so với tháng 4 chủ yếu do giá thực phẩm giảm 2,27% làm CPI giảm khoảng 0,51 điểm %; giá xăng giảm làm CPI giảm khoảng 0,03 điểm %. Lạm phát giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã liên tục giảm kể từ đầu năm.

Trong khi đó, lạm phát cơ bản vẫn được duy trì ở mức khá thấp, chỉ tăng 1,33% so với cùng kỳ.

Kết quả phân rã các thành phần của lạm phát cho thấy, thành phần mùa vụ cũng như thành phần chu kỳ vẫn trong xu hướng giảm. Hai yếu tố này đóng góp lần lượt -0,14 và -0,13 điểm % vào lạm phát tổng thể của tháng 5. Song, nhìn chung xu hướng dài hạn của lạm phát đang tiếp tục tăng.

“Tại thời điểm tháng 5/2017, xu hướng lạm phát dài hạn cao hơn khoảng 0,96 điểm % so với tháng 5/2016”, UBGSTCQG lưu ý.

Bích Diệp