1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nếu độc quyền cảng biển sẽ bị bóp chết ngay!

(Dân trí) - Về đề xuất bán 100% vốn Nhà nước tại một số cảng biển, sân bay cho tư nhân, nhiều ý kiến nghi ngại rằng sẽ có độc quyền xảy ra. Tuy nhiên, phía Bộ GTVT khẳng định, độc quyền không thể diễn ra được.

Nếu độc quyền cảng biến: “Cơ chế thị trường sẽ bóp chết ngay”

Các chuyên gia cho rằng bán quyền khai thác, sử dụng và quản lý cảng biển cho tư nhân không những không có độc quyền mà còn tạo cạnh tranh trong dịch vụ vận tải biển thời gian tới

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Tuy nhiên, trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, về cơ chế cổ phần hóa, đấu thầu, khai thác, quản lý các cảng biển và sân bay theo BT, BOT, BTO và mới nhất là hợp tác công – tư (PPP) đã được cụ thể hóa tại Nghị định 128/2014/NĐ-CP và Nghị định 15/2015/NĐ-CP. Thứ trưởng Trường khẳng định: Nhà nước sẽ theo dõi sát sao qua các công cụ giá, thuế và cơ chế quản lý. Chính vì vậy, độc quyền không thể diễn ra được.

Đồng quan điểm này, ông Chu Quang Thứ, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải cũng cho rằng: “Nhà nước chỉ bán quyền khai thác, điều hành quản lý còn cơ sở hạ tầng, giá cả vẫn do Nhà nước kiểm soát nên chắc chắn sẽ không có chuyện độc quyền. Bên cạnh đó, các cảng hoạt động theo cơ chế thị trường, nếu anh độc quyền cơ chế thị trường tự nhiên nó sẽ bóp chết anh ngay”.

Theo ông Thứ, quan trọng là chúng ta bán và giao quyền cho doanh nghiệp như thế nào. “Giao tư nhân, tôi nghĩ không quá 1 năm họ sẽ có lợi nhuận trên doanh thu. Thứ nhất là khi bỏ tiền, họ sẽ nghiên cứu và cải tổ lại hoàn toàn hoạt động, tình trạng yếu kém quản lý, khai thác vận hành sẽ không còn nên hiệu quả sẽ nhìn thấy được. Thứ hai là, tăng trưởng ngành vận tải cảng biển mỗi năm ở mức hai con số từ trên 10%. Đây là mức tăng trưởng cực cao. Họ bảo khủng hoảng ở đâu chứ các cảng biển Việt Nam không hề có khủng hoảng, hàng và tầu cập cảng lúc nào cũng sẵn có nên khi có sự thay đổi, sẽ có sức hút cực lớn đối với các đối tác khác. Bên cạnh đó, ngành cảng biển, hải quan, thuế được xem là liên đới chặt chẽ với nhau. Chính phủ quyết tâm cải cách khu vực này theo chuẩn khu vực và quốc tế nên sắp tới, sẽ có những cuộc cách mạng về thủ tục, chi phí cũng như năng lực bốc, xếp, dỡ. Tôi hy vọng, tương lai không xa, Việt Nam sẽ không còn cảnh: Thừa tiềm năng mà thiếu khả năng về biển nữa”, ông Thứ nói.
 
TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, có trong tay cảng biển doanh nghiệp tư nhân sẽ hoàn toàn có lợi thế về cuộc chạy đua cải tổ hoạt động kinh doanh. Họ sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh mới với các cảng của DNNN và “phả hơi nóng” vào các cảng chậm cải tổ, đây sẽ là tín hiệu tích cực.

“Vào tay ai cũng được, miễn là họ biết biến lợi thế này làm giàu cho mình, cho đất nước và xã hội và Nhà nước phải tăng thu được thuế. Có tiền chưa chắc đã khai thác, vận hành được cảng, mà tiền phải đi liền với quy hoạch và chiến lược. Hơn ai hết, các DN đã mua họ đã tính đến việc tổ chức lại bộ máy, cách hoạt động, con người và tính phương án thuê chuyên gia đầu ngành giỏi về làm việc…”, TS Doanh nhận định.

Về kinh nghiệm tư nhân hóa các cảng biển, ông Thứ cho rằng trên thế giới rất nhiều quốc gia đã thực hiện trao quyền khai thác cho doanh nghiệp tư nhân. Mỹ có rất nhiều cảng mà Chính phủ liên bang chỉ thu thuế và quản lý theo luật của các bang mà không cần động vào các hoạt động kinh doanh của cảng. Tại Singapore, hệ thống cảng biển hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á thì họ đã tư nhân hóa gần hết các cảng biển nên vận tải cảng biển của Singapore hiện tại đang rất mạnh và được xem là hải cảng trung chuyển đẳng cấp quốc tế.

Tuy vậy, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, cần cấp thiết phải ban hành Luật: “Vẫn biết có Nghị định, Thông tư nhưng đây là các văn bản dưới luật, có thể thay thế bởi Chính phủ, bộ ngành. Chính vì vậy, ngay lúc này cần Luật hóa các Nghị định, Thông tư để rộng đường dư luận và tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước, nhà đầu tư và cơ chế ràng buộc người đứng đầu nếu có các vấn đề phát sinh hậu cổ phần, bán cảng”.

Nguyễn Tuyền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”