1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Năng lực cạnh tranh Việt Nam tăng 10 bậc, vẫn "thua" Malaysia, Thái, Indonesia

(Dân trí) - Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của 141 nền kinh tế năm 2019, trong đó Việt Nam tăng 10 bậc từ vị trí 77 năm 2018 lên 67, đây là vị trí cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay.

Trong thang điểm 100, Việt Nam được đánh giá đạt 61,5 điểm, tăng mạnh so với mức 58,1 điểm năm ngoái.

Trong 12 trụ cột đánh giá các chỉ số mà WEF đưa ra, Việt Nam được đánh giá cao nhất ở sức khỏe nền kinh tế với 81 điểm. Trong khi đó, chỉ số năng lực sáng tạo lại bị đánh giá thấp nhất khi chỉ được 37 điểm.

Năng lực cạnh tranh Việt Nam tăng 10 bậc, vẫn thua Malaysia, Thái, Indonesia - 1

WEF đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2019

Tuy nhiên, năng lực sáng tạo của Việt Nam đã cải thiện điểm số so với trước và hầu hết trong thước đo, Việt Nam đều tăng điểm so với cùng kỳ năm trước.

103 tiêu chí được chia thành 12 cột trụ. Các cột trụ này được chia vào 4 nhóm chính, gồm Môi trường Thuận lợi (Thể chế, Cơ sở hạ tầng, Sự phổ cập công nghệ thông tin – viễn thông, Ổn định vĩ mô), Thị trường (Sản phẩm, Lao động, Hệ thống Tài chính, Quy mô thị trường), Nhân lực (Sức khỏe, Kỹ năng) và Hệ sinh thái Đột phá sáng tạo (Sự năng động trong kinh doanh, Khả năng đột phá). Với mỗi trụ cột, WEF sử dụng thang điểm 100 để đánh giá nền kinh tế đó đã tiến gần mức trạng thái cạnh tranh lý tưởng hay mới sơ khai.

Năm 2019, Singapore đã vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới với điểm số 84,8%.

Trong 10 nền đứng đầu về chỉ số cạnh tranh quốc gia, hầu hết đến từ các nền kinh tế phát triển ở châu Âu, Đông Á như Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nhật Bản và Hồng Kông.

Trong khu vực ASEAN, ngoài Singapore, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam vẫn xếp sau các nước như Malaysia xếp hạng năng lực cạnh tranh thứ 27, Thái Lan 40, Indonesia 50, Brunei Darussalam 56 và Philippines 64. Việt Nam chỉ hơn các nước như Myanmar, Lào, Campuchia.

Gần đây, nền kinh tế Việt Nam được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá khá sáng sủa. Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm trong đó nhấn mạnh tăng trưởng GDP 6,8%, tăng cao nhất so với cùng kỳ 9 năm gần đây.

Các tổ chức như Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) cũng khẳng định, tăng trưởng của Việt Nam hiện cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tổ chức này cho biết dù tăng trưởng kinh tế Việt nam năm 2019 nếu chỉ đạt mức 6,7% thì cũng vượt trội so với các nền kinh tế còn lại.

Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây cũng ra thông báo đề cập đến tăng trưởng của Việt Nam. Trong đó, ADB khẳng định kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng cao trong năm 2019 và 2020, ở mức tương ứng là 6,8% và 6,7%.

Thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại song và đa phương lớn với các sân chơi khu vực, quốc tế như, tham gia ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế EU, đang đàm phán một thỏa thuận thương mại riêng với Mỹ, cùng với đó là tham gia vào Hiệp định liên khu vực RCEP...

Cùng với việc tham gia các FTAs thế hệ mới, Việt Nam đã ký và cam kết mở cửa thị trường đối với nhiều mặt hàng, cam kết cải cách khu vực công, trong đó có đầu tư công, cải cách khu vực hành chính công vụ...

Mặc dù có nhiều tín hiệu lạc quan, song kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại nhiều điểm cần cải cách, cải thiện nhanh chóng như chất lượng tăng trưởng chưa cao, hệ số sử dụng vốn ICOR còn cao, giải ngân đầu tư công - vốn mồi cho phát triển còn thấp, 2 - 3 năm trở lại đây thiếu các dự án tầm cỡ, dẫn dắt để cho các khu vực khác phát triển.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn khó khăn trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và hiệu quả cổ phần hóa chưa cao. Đặc biệt, bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang nổ ra, Việt Nam vẫn thiếu các nguồn lực, chính sách và cơ sở hạ tầng để vận dụng các sáng tạo, công trình chế tạo, lĩnh vực kinh doanh mới, ngành kinh doanh mới vào phát triển, tạo giá trị gia tăng và xây nguồn lực mới...

Đây đã và đang là thách thức của Việt Nam trước mắt cũng như lâu dài để đuổi kịp và cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Nguyễn Tuyền