1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Nan giải “bài toán” đưa đặc sản Việt ra thị trường quốc tế

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, dù việc phát triển thương hiệu của các loại đặc sản Việt ở nước ngoài còn nhiều khó khăn nhưng không có nghĩa là: "khó thì không làm được".

Bán “ký ức” để quảng bá thương hiệu

Chia sẻ tại buổi Họp báo Hội thảo "Khám phá bí quyết tăng trưởng đột phá trong Đại dương đỏ", các chuyên gia cho biết, Việt Nam có rất nhiều ngành nghề truyền thống, đặc biệt là có nhiều đặc sản rất giá trị như là: Sâm Ngọc Linh, Mì Quảng… Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp lại chưa mạnh dạn đầu tư phát triển các lĩnh vực này.

Để các ngành nghề truyền thống cũng như đặc sản Việt tăng trưởng và "vươn ra biển lớn" là điều không phải dễ.

Các nhà đầu tư chưa mạnh dạn “rót tiền” vào các ngành nghề truyền thốn
Các nhà đầu tư chưa mạnh dạn “rót tiền” vào các ngành nghề truyền thốn

Ông Mã Thanh Danh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Kido cho biết, nền văn hóa Việt Nam có những nét đặc trưng riêng biệt mà không phải người ngoại quốc nào cũng thích ứng được. Do đó, trước mắt, doanh nghiệp có thể “khoanh vùng” để quảng bá thương hiệu của mình, thậm chí bán cả “ký ức” để tạo nên sự đồng cảm, thân thiện và dần hòa hợp, tạo ấn tượng đối với thực khách.

Theo ông Danh, mỗi người ai cũng có quê hương, cũng từng lớn lên với những món đặc sản nơi “chôn nhau cắt rốn”. Do đó, “bán ký ức” chính là mang những loại đặc sản gắn với ký ức của mình “gửi gắm” cho khách hàng và dần làm nên thương hiệu từ đó.

Liên quan đến vấn đề phát triển thương hiệu sản phẩm Việt ở nước ngoài, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư Savills Việt Nam cũng cho biết, hiện tại Hàn Quốc đã phát triển được nhiều thương hiệu của các sản phẩm nước họ tại Việt Nam và thành công. Trong khi đó, sản phẩm Việt dù đã có mặt ở nước ngoài nhưng chưa thật sự nổi bật. Ví dụ như ở thành phố Changwon (Hàn Quốc) đã có hàng quán bán phở của người Việt, hoặc là một vài nước cũng có bày bán rượu Bầu Đá (Bình Định). Thế nhưng, hoạt động kinh doanh này còn nhỏ lẻ và chưa đồng bộ nên thương hiệu chưa gây được sự chú ý.

Ông Khương cho rằng, nguyên nhân khiến các ngành nghề truyền thống của Việt Nam chưa thể nổi tiếng ở nước ngoài là do các ngành nghề này chủ yếu được hoạt động theo hình thức thủ công, khó mang lại lợi nhuận cao nên các nhà đầu tư e ngại chưa dám “rót tiền”. Do đó, phát triển, quảng bá được đặc sản của Việt Nam ở các nước trên thế giới là điều không dễ dàng.

Khởi nghiệp: Tiền không là tất cả

Ngoài việc tìm hướng đi cho đặc sản Việt ra thị trường quốc tế, tại buổi Họp báo Hội thảo "Khám phá bí quyết tăng trưởng đột phá trong Đại dương đỏ", các chuyên gia cũng bàn nhiều đến vấn đề khởi nghiệp.

Số liệu thống kê cho thấy mỗi năm Việt Nam có khoảng 55% doanh nghiệp được thành lập mới trong khi đó lại có tới 45% doanh nghiệp phải “đóng cửa”. Mặt khác, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp thì chỉ có khoảng 20 – 30% tồn tại được, còn lại đều bước đến “cửa tử”. Điều đáng nói là nếu xét ở tầm vĩ mô thì trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại đóng góp tới khoảng 75 – 80% ngân sách nhà nước.


Một quán phở Việt tại thành phố Changwon Hàn Quốc được rất nhiều người Hàn yêu thích (Ảnh: Nguyễn Thanh Minh)

Một quán phở Việt tại thành phố Changwon Hàn Quốc được rất nhiều người Hàn yêu thích (Ảnh: Nguyễn Thanh Minh)

Theo đó, để giải "bài toán” giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị mới khởi nghiệp tồn tại được trong “sân chơi” kinh tế, các doanh nghiệp nên lưu ý nhiều điều. Trong đó, tiền vốn không phải là tất cả. Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp trước khi bước ra thương trường cần phải tính toán, xây dựng được mô hình và chiến lược kinh doanh cụ thể. Hiển nhiên, để thực hiện được việc này thì những người khởi nghiệp cần phải tự tạo cho mình một đội ngũ làm việc có hiệu quả để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.

TS Thái Lâm Toàn, Trưởng đại diện VPĐD Khu vực miền Nam Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cho rằng, vốn không nhất thiết phải là tiền. Vốn còn là tài năng, là bản lĩnh xây dựng đề án, tổ chức thực hiện dự án của các doanh nhân, doanh nghiệp. Huy động vốn dễ mà khó, khó mà lại dễ. Nói như thế có nghĩa là các nhà đầu tư không thiếu tiền để đầu tư cho những doanh nghiệp. Và mỗi nhà đầu tư đều có kỳ vọng, có “khẩu vị” khác nhau. Nhưng họ lại có một cái nhìn chung đó là lợi nhuận. Vì vậy, các đơn vị làm kinh doanh cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng dự án của mình và phải cân nhắc nó có phù hợp với thực tế không, có thực thi được không…

"Nếu như cho các nhà đầu tư nhìn thấy được lợi nhuận đang “ẩn mình” trong mô hình kinh doanh của bạn, tôi nghĩ họ sẽ không bao giờ ngần ngại “rót vốn” cho bạn”, TS. Thái Lâm Toàn nói.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Bùi Quang Tín cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp không “bắt kịp” chính sách nhà nước nên thường vướng phải các sai phạm. Nguyên nhân then chốt dẫn đến việc này là do sự chuẩn bị thiếu tính chuyên nghiệp, bao gồm cả việc thiếu nhà tư vấn về pháp lý. Cho nên, để tránh trường hợp xảy ra khủng hoảng mới “chạy đôn chạy đáo” xử lý thì các doanh nghiệp khởi nghiệp cần tìm cho mình một đơn vị tư vấn pháp lý thật kỹ càng để củng cố sức mạnh và “vượt ra biển lớn”.

Công Quang

Nan giải “bài toán” đưa đặc sản Việt ra thị trường quốc tế - 3