1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hà Nội:

Năm nhà đầu tư Thái vừa “thâu tóm” toàn diện nước sạch Sông Đuống?

(Dân trí) - “Sáng nay, tôi nhận được thông tin có 5 nhà đầu tư Thái nắm quyền kiểm soát, vừa tham gia Hội đồng quản trị, vừa tham gia ban kiểm soát của nhà máy nước sông Đuống.” - Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết trước Quốc hội sáng nay (20/11).

Tại phiên thảo luận tại hội trường về Luật Đầu tư (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm tới các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc đang bị “thả nổi”, trong đó nước sạch Sông Đuống là vấn đề trọng tâm.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho hay: “Liên quan đến vấn đề nước sạch, sáng nay tôi nhận được thông tin có 5 nhà đầu tư Thái nắm quyền kiểm soát, vừa tham gia Hội đồng quản trị, vừa tham gia ban kiểm soát của nhà máy nước sông Đuống.”.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, cần xem nhà đầu tư có thực sự làm dự án kinh doanh để phục vụ nhân dân hay họ chỉ thực hiện động tác kiếm lợi nhuận, sau đó dồn lại rủi ro cho người khác, đặc biệt là rủi ro cho nhân dân.

Năm nhà đầu tư Thái vừa “thâu tóm” toàn diện nước sạch Sông Đuống? - 1
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre)

Cũng đề cập tới vấn đề kinh doanh nước sạch, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) - nêu quan điểm: “Kinh doanh nước sạch không thấy trong danh mục kinh doanh có điều kiện. Đề nghị xem có nằm trong danh mục kinh doanh thực phẩm hay không, nếu không thì đề nghị đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện.”.

Đại biểu đoàn TPHCM đề nghị trong Luật Đầu tư sửa đổi xem lại danh mục kinh doanh có điều kiện, kết cấu lại cho khoa học vì hiện không biết theo trật tự nào, thứ tự nào, hệ thống nào nên mỗi lần đi tìm kiếm rất khó khăn.

“Đề nghị khi thiết lập các điều kiện cho ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần xem xét rất kỹ, có những ngành nghề cần hạn chế chuyển nhượng ở bên ngoài Việt Nam. Có những ngành nghề phải hạn chế người nước ngoài sở hữu, ví dụ không cho họ sở hữu đa số, như vấn đề kinh doanh nước sạch. Đây là vấn đề an ninh rất hệ trọng.” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định.

Ông Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng đối với một số ngành nghề có nên quy định yêu cầu chứng minh nguồn vốn, nhà đầu tư phải cam kết nguồn vốn là hợp pháp bởi lâu nay có tình trạng “thả nổi” cơ chế kiểm tra tính hợp pháp của các nguồn vốn.

“Lần này chúng ta đã thống nhất và có Nghị quyết của Đảng về việc kiểm soát chặt chẽ đầu tư nước ngoài, một trong những điều kiện mà chúng ta nên đưa vào là những ngành nghề như sân bay, bến cảng, viễn thông, bất động sản… Nhà đầu tư nước ngoài phải cam kết hoặc chứng minh nguồn vốn của họ là hợp pháp hay không? Nếu phát hiện ra nguồn vốn không hợp pháp có quyền tịch thu.” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Năm nhà đầu tư Thái vừa “thâu tóm” toàn diện nước sạch Sông Đuống? - 2
Nhà máy nước sạch Sông Đuống (ảnh: Nguyễn Khánh)

Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (đoàn Khánh Hòa) cho rằng nước sạch là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, hoạt động sản xuất kinh doanh nước sạch phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước nước nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cung cấp nước sạch cho người dân và quyền lợi hợp pháp của các đơn vị kinh doanh nước sạch.

Theo nữ đại biểu này, vừa qua khi nguồn nước do Công ty nước sạch Sông Đà bị kẻ xấu “đầu độc” gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng triệu người dân tại Hà Nội sử dụng nguồn nước này. Điều này cho thấy đây là lĩnh vực là ngành, nghề cần phải quản lý chặt chẽ.

“Cần giữ nguyên hoạt động kinh doanh nước sạch trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư sửa đổi. Đồng thời, phải đưa ra các tiêu chuẩn, quy định để quản lý chặt chẽ khi đăng lý đầu tư kinh doanh lĩnh vực nước sạch cho con người sử dụng.” - đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh.

Nữ đại biểu cũng tái khẳng định quan điểm phải đưa kinh doanh nước vào danh mục có điều kiện vì hiện các doanh nghiệp ngành nước đang thực hiện chủ trương của Chính phủ về cổ phần hóa.

“Quy định về quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hóa có tính chất đặc thù chưa được ban hành; quy định về giàng buộc trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với các đơn vị cấp nước trong đảm bảo an toàn và an ninh nguồn nước chưa chặt chẽ; quy định về xử lý các sự cố của đơn vị kinh doanh nước còn hạn chế… Điều này khiến cuộc sống của người dân trở nên bất an.” - bà Thu cho biết thêm.

Đề cập đến nhà máy nước mặt sông Đuống khi tiếp xúc cử tri mới đây, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP.Hà Nội thông tin: Có 4 nhà đầu tư rót vốn xây dựng nhà máy, gồm một quỹ đầu tư của Oman, doanh nghiệp Aqua One, Nhà máy nước sạch số 2 (10%) và 5% của một đơn vị khác. Vừa qua một doanh nghiệp của Thái Lan mua lại cổ phần của Công ty nước mặt sông Đuống.

“Quỹ đầu tư Oman đã bán lại cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan, họ bán mấy tháng rồi, chứ không phải bây giờ. Chuyện các quỹ đầu tư mua bán phần vốn của doanh nghiệp tại dự án, công trình cụ thể là bình thường, nên khuyến khích. Nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Châu Á” - ông Chung nói thêm.

 Châu Như Quỳnh