1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mỹ "vắng mặt" trong thỏa thuận tạm thời giải quyết tranh chấp thương mại

(Dân trí) - Thỏa thuận nhiều bên về kháng cáo tạm thời (MPIA) có hiệu lực từ tuần trước sau khi cơ quan kháng cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngừng hoạt động từ tháng 12 năm ngoái.

Mỹ vắng mặt trong thỏa thuận tạm thời giải quyết tranh chấp thương mại - 1
Cơ quan kháng cáo của WTO đã ngừng hoạt động từ ngày 11/12. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc cùng với 18 nước khác bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Canada, Úc, Singapore và Hồng Kông đã khởi động một cơ chế tạm thời để giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh giữa các thành viên của WTO. Cơ quan kháng cáo của tổ chức này đã ngừng hoạt động từ tháng 12 sau khi Mỹ bác bỏ hàng loạt quyết định bổ nhiệm mới cơ quan phúc thẩm của Tòa án tối cao. 

Theo như thông báo được đưa ra bởi Bộ Thương mại Trung Quốc, MPIA còn có sự tham gia của Brazil, Chile, Colombia, Costa Rica, Guatemala, Iceland, Mexico, New Zealand, Norway, Pakistan, Thụy Sĩ, Ukraine và Uruguay.

Tuy nhiên, thỏa thuận lại “vắng mặt” các cường quốc về kinh tế như Mỹ, Ấn Độ, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc, cho thấy sự giới hạn quyền lực trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại lớn của thế giới.

Nhóm 19 nước tham gia khẳng định: “Thỏa thuận mới nhằm duy trì các nguyên tắc thiết yếu trong hệ thống giải quyết các tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bất cứ thành viên WTO nào cũng được hoan nghênh tham gia.”

MPIA chỉ mất 3 tháng để xây dựng kể từ tháng 1/2020. Thỏa thuận mới này dựa trên Điều 25 trong Thỏa thuận Giải quyết các tranh chấp của WTO (DSU) và vẫn áp dụng những quy tắc chính của cơ quan kháng cáo.

Giáo sư Đồ Tân Tuyền thuộc Đại học Thương mại - Kinh tế quốc tế (Bắc Kinh) nhận xét rằng, MPIA thể hiện mong muốn duy trì chủ nghĩa đa phương giữa các nước thành viên. Ông cũng cho biết, sự bùng phát của Covid-19 được cho là sẽ đẩy nhanh quá trình hình thành của các khối thương mại khu vực và làm suy yếu hệ thống thương mại toàn cầu mà WTO đang nắm giữ.

Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2001. Chính phủ nước này cũng nhiều lần lên tiếng ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và Bắc Kinh đang nỗ lực hết sức để duy trì vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Hương Vũ

Theo SCMP