1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Muốn “thoát” thẻ vàng của EU phải dừng mua hải sản “lậu” của ngư dân

(Dân trí) - Việt Nam chỉ còn 6 tháng để nỗ lực thay đổi nhằm tránh cảnh báo vàng với ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam. Nếu không thay đổi, Việt Nam rất có thể phải chịu mức cảnh báo cao nhất là thẻ đỏ, bị cấm xuất khẩu thủy hải sản sang EU.

Chia sẻ về vấn đề đang rất nóng này trong hội thảo “Thị trường EU: Cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong bối cảnh mới”, Phó Vụ trưởng Vụ Âu Mỹ (Bộ Công Thương) ông Trần Ngọc Quân cho biết: “Lời cảnh báo này có giá trị trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ tháng 10/2017 và kết thúc vào tháng 4/2018.”

“Theo lý thuyết, nếu Việt Nam có chuyển biến tốt về pháp chế và thực tiễn, nhất là về pháp chế, khi ban hành đủ các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý. Để làm sao, hạn chế việc đánh bắt, khai thác không hợp pháp, thì chúng ta sẽ có thêm 6 tháng để bàn”, ông Quân nói.

Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Âu Mỹ Bộ Công Thương
Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Âu Mỹ Bộ Công Thương

Tuy nhiên, cũng theo ông Quân: “Trong 6 tháng đó, chúng ta không làm tốt thì từ thẻ vàng sẽ chuyển sang thẻ đỏ, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không được xuất khẩu thuỷ sản vào EU.”

“Trong thuỷ hải sản của Việt Nam xuất khẩu, chúng ta có tôm, cá tra và các mặt hàng thuỷ sản. Tôm thì chúng ta có nuôi trồng và đánh bắt, phần mà chúng tôi thống kê được thì đánh bắt chiếm trên 50%, tương đối lớn. Nếu bị ngừng lại thì nó ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp”, Vụ phó cho biết thêm.

Trong ASEAN các nước Thái Lan, Philipines cũng đang bị đưa vàng dạng cảnh cáo vàng, còn Campuchia đã bị thẻ đỏ.

Lý do các nước bị thẻ vàng và thẻ đỏ là do EU nghiên cứu các quyền của ngư dân khi đi đánh bắt đã vượt qua hải phận của Việt Nam và hải phận của các nước khác, đánh bắt này là đánh bắt trái phép.

Lý do thứ 2 là do, ngư dân của chúng ta đi đánh bắt không có sổ theo dõi. Điều này có nghĩa là, không kiểm soát được việc họ đánh bắt có đảm bảo duy trì sinh thái không, hay việc họ không được tận dụng tất cả nguồn hải sản đánh bắt được. EU rất quan tâm đến việc phát triển bền vững sinh thái biển, vì thế Việt Nam đã “dính” thẻ vàng.

Để giải cứu ngành thủy sản, hiện nay, Chính phủ cũng đã rất tích cực ban hành các luật, văn bản, quy định và các khuyến nghị về vấn đề này.

VASEP đã làm việc rất nhiều với hiệp hội các DN xuất khẩu để phổ biến cho các ngư dân. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này cần sự hợp tác rất nhiều từ phía cư dân.

Muốn “thoát” thẻ vàng của EU phải dừng mua hải sản “lậu” của ngư dân - 2

Nhưng theo ông Quân: “Một điều rất khó thay đổi vì đó là sinh kế của họ. Khi ra khơi là phải có lợi nhuận, phải đảm bảo cuộc sống gia đình họ. Điều này chính là điểm cốt lõi khiến cho các nỗ lực của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.”

“Thế nhưng, vẫn có một cách giải quyết, đó là các DN kiên quyết không thu mua của những ngư dân vi phạm, dần dần nó sẽ thay đổi được hành vi của ngư dân”, ông Quân khẳng định.

Không thay đổi được điều này thì hệ lụy ngay trước mắt theo ông Quân sẽ là việc, các nhóm vận động về môi trường sẽ vận động các nước thành viên của EU, các nhóm nghị sĩ của EU, từ đó gây tiếng nói khó khăn trong việc ký và phê chuẩn hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước EU.

Đầu tháng 5/2017, Liên minh châu Âu (EU) cử đoàn sang kiểm tra hoạt động đánh bắt thuỷ sản Việt Nam, tại đây họ đưa ra 5 cảnh báo về hoạt động khai thác bất hợp pháp của phía Việt Nam.

Ngày 23/10, nhận thấy không có gì tiến triển sau cảnh báo, EU chính thức rút "thẻ vàng” đối với hải sản khai thác trên biển của Việt Nam. Nếu sau 6 tháng, Việt Nam không khắc phục những vấn đề khai thác trái phép, EU sẽ tiếp tục “rút thẻ đỏ” điều này có thể khiến thuỷ sản nước ta không thể vào được thị trường EU.

Thế Hưng