1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Món nợ của EVN tăng lên gần 10.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Việc giá than và giá khí được điều chỉnh tăng đã khiến chi phí đầu vào của EVN tăng thêm 7.200 tỷ đồng trong năm 2013. Nửa đầu năm, ngành điện còn nợ than và khí gần 10.000 tỷ đồng.

Ảnh: EVN.
Ảnh: EVN.

Nói về việc chọn thời điểm 1/8 để tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, đến tháng 8, ngành công nghiệp năng lượng đang phải đứng trước áp lực lớn về giá thành đầu vào của khâu sản xuất.

Hai chi phí quan trong cho ngành điện là than và khí đều tăng giá mạnh. Theo đó, vào tháng 4/2013, ngành than được được phép tăng giá và giá than bán cho điện cũng tăng 37-40%, tiến dần theo cơ chế giá thị trường.

Việc nâng giá bán than cho điện đã khiến chi phí đầu vào ngành điện tăng thêm 4.000 tỷ đồng trong năm 2013.

Đồng thời, đối với nguồn nhiên liệu khí, việc điều chỉnh giá của Tổng công ty Khi Việt Nam (PV GAS) cũng đã khiến ngành điện tăng thêm 3.200 tỷ đồng đầu vào trong khi mức độ sử dụng của ngành điện vượt quá mức bao tiêu nên phải mua với giá cao hơn.

Trước đó, trong buổi tọa đàm với các ngành sản xuất xi măng, thép, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, với giá điện bình quân 1.600 đồng/kWh, ngành điện phải chịu lỗ rất lớn, không đủ tiền để chi trả nguyên liệu cho các ngành khác như than, khí.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, điện còn nợ than và khí gần 10.000 tỷ đồng. Vì giá bán điện đang được ấn định thấp nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN rất khó cân đối tài chính và cũng không đủ vốn để tái đầu tư, phát triển. Theo ông Ngãi, “Giá điện mỗi lần tăng 1-5% thì cũng chẳng thấm vào đâu so với số lỗ do bán điện dưới giá thành. Ngành thép và xi măng cần phải thông cảm cho ngành điện vì ngành điện đang chịu lỗ rất lớn và chịu sức ép từ đầu tư”.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã xem xét, thẩm định và thấy rằng, yêu cầu phải điều chỉnh tăng giá để đảm bảo mục tiêu cân bằng về tài chính cũng như kinh doanh của EVN. Hơn nữa, việc tăng giá điện là bước đi không thể tránh khỏi trong lộ trình trả giá bán điện về với giá thị trường.

Ông cũng nhấn mạnh, việc điều chỉnh giá điện luôn được cân nhắc và tính toán để không gây ảnh hưởng lớn đến cân đối các mục tiêu kinh tế vĩ mô cũng như  không tác động tiêu cực đến đời sống người dân, riêng người nghèo, người có thu nhập thấp vẫn được hỗ trợ.

Để đảm bảo minh bạch, việc kiểm toán đối với EVN không chỉ có Bộ Công thương và Bộ Tài chính mà còn mời thêm các đại diện của Hiệp hội người tiêu dùng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia.

Các báo cáo về giá thành sản xuất điện năm 2010 và 2011 đã được Bộ Công thương công bố. Riêng về kiểm toán giá thành sản xuất điện năm 2012, đến tháng 10 năm nay, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp tổ chức đoàn công tác kiểm tra, sau khi có kết quả sẽ có thông cáo báo chí và cung cấp công khai kết quả, Thứ trưởng cho biết.

Bích Diệp