1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Mỗi quy định một kiểu, khoản hỗ trợ hơn 160 tỷ đồng treo lơ lửng trên đầu doanh nghiệp

(Dân trí) - Trong quá trình giải ngân số tiền lên tới hơn 160 tỷ đồng để hỗ trợ cho dự án điện gió ở Bình Thuận, do quy định khác nhau giữa các văn bản pháp luật khiến cơ quan quản lý gặp nhiều lúng túng.

gio-vzbs-1479042239911.jpg

Bộ Tài nguyên và Môi trường lúng túng trong việc giải ngân số tiền hỗ trợ cho dự án điện gió tại Bình Thuận.

Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về quyết định trợ giá điện đối với dự án Phong điện 1 - Bình Thuận do Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) làm chủ đầu tư. 

Dự án Phong điện 1 - Bình Thuận được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Để thực hiện dự án này, REVN đã đề nghị Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam trợ giá hơn 455 tỷ đồng, số tiền trợ giá đã được phê duyệt là 234,8 tỷ đồng. Số tiền đã giải ngân cho REVN đến nay là hơn 67,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quá trình giải ngân số tiền còn lại (167,2 tỷ đồng) để hỗ trợ cho dự án còn có 2 quan điểm khác nhau trong áp dụng pháp luật. 

Cụ thể, việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho dự án Phong điện 1 - Bình Thuận thực hiện theo quyết định 130/2007/QĐ-TTg. Sau đó, ngày 29/6/2011, Thủ tướng ban hành quyết định 37/2011/QĐ-TTg, trong đó quy định mức hỗ trợ đối với các dự án điện gió khác với Quyết định 130. 

Mặt khác, ngày 15/7/2014, Thủ tướng có công văn gửi các bộ ngành có liên quan về cơ chế và nguồn vốn trợ giá cho dự án Phong điện 1 - Bình Thuận, trong đó nêu “từ tháng 1/2011 đến hết tháng 12/2013, việc trợ giá cho dự án thực hiện theo quy định tại Quyết định số 130” và “từ tháng 1/2014, giá điện và cơ chế trợ giá cho dự án được áp dụng theo quy định tại Quyết định 37”.

Từ lý do trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tạm dừng thực hiện giải ngân số tiền còn lại cho dự án Phong điện 1 - Bình Thuận để xin ý kiến của cơ quan có liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trợ giá với dự án này.

Liên quan tới nội dung này, trong quá trình kiểm toán hoạt động của Quỹ bảo vệ môi trường, Kiểm toán Nhà nước có công văn ngày 28/7/2015 đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Thủ tướng xem xét quyết định chỉ trợ giá cho REVN theo Quyết định 130 đến ngày 19/8/2011 và thực hiện hỗ trợ giá theo Quyết định 37 kể từ ngày 20/8/2011.

“Số tiền chênh lệch giữa việc trợ giá giữa 2 quyết định đối với dự án Phong điện 1 - Bình Thuận khoảng 163 tỷ đồng, một số tiền rất lớn nên cần xem xét, cân nhắc cẩn trọng để đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành”, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, cơ quan này đã tổ chức nhiều cuộc họp khác nhau với các bộ, ngành có liên quan. Đồng thời gửi văn bản xin ý kiến Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và gần đây nhất là công văn báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ngày 31/7/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ, trong đó yêu cầu thực hiện trợ giá “theo đúng quy định hiện hành của pháp luật”.

“Hiện tại, việc áp dụng quy định của Quyết định 130 hay Quyết định 37 để giải ngân số tiền còn lại đối với dự án Phong điện 1 - Bình Thuận vẫn chưa rõ ràng. Ý kiến của các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ về vấn đề này cũng rất khác nhau. Đây là vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường”, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu.

Trả lời lại kiến nghị từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ Công Thương, Tư pháp rà soát việc áp dụng pháp luật trong thực hiện trợ giá điện gió với dự án Phong điện 1 - Bình Thuận. Đồng thời, đề xuất phương án xử lý cụ thể, báo cáo Thủ tướng.

Phương Dung

banner_chan-bai.gif