1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Mỗi năm nhập 15 triệu tấn than cho 3 nhà máy nhiệt điện của PVN

(Dân trí) - Lý giải về nguyên nhân phải nhập khẩu than để chạy nhà máy nhiệt điện, phía PVN cho biết, do khả năng cung ứng than trong nước còn hạn chế, chất lượng than chưa đủ đáp ứng cho các nhà máy nhiệt điện than công suất lớn, hiện đại, do đó phải chủ động thực hiện công tác nhập khẩu than.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa ký kết với Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) hợp đồng cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện thuộc PVN.

Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong giai đoạn 2011-2020, PVN được giao quản lý đầu tư và vận hành các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu than nhập khẩu gồm Long Phú 1 (công suất 1.200MW), Sông Hậu 1 (công suất 1.200MW) và Long Phú 3 (công suất 1.800MW). Ba nhà máy nhiệt điện có tổng nhu cầu sử dụng than khoảng 12 triệu tấn/năm với tổng sản lượng điện thương mại lên đến hơn 20 tỷ kWh.

Theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương, PV Power chịu trách nhiệm nhập khẩu và đảm bảo nguồn cung cấp than cho các dự án Nhiệt điện do PVN làm chủ đầu tư. Đến nay, PVN và PV Power đã thống nhất các nội dung và tiến tới ký kết hợp đồng nguyên tắc cung cấp than nhập khẩu cho các nhà máy sử dụng than nhập khẩu của PVN.

Chủ tịch HĐTV PV Power Hồ Công Kỳ cho biết, Tổng Công ty đã tìm hiểu, hoàn thành đàm phán với 7 đối tác cung cấp than quốc tế và các chủ mỏ than để ký hợp đồng khung, cung cấp khoảng 15 triệu tấn than/năm, đáp ứng đủ than cho các nhà máy than của Tập đoàn.

Lý giải về nguyên nhân phải nhập khẩu than để chạy nhà máy nhiệt điện, phía PVN cho biết, do khả năng cung ứng than trong nước còn hạn chế, chất lượng than chưa đủ đáp ứng cho các nhà máy nhiệt điện than công suất lớn, hiện đại, do đó phải chủ động thực hiện công tác nhập khẩu than.

Trước đó, trong một báo cáo đưa ra hồi tháng 4, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, lượng than nhập khẩu dự báo sẽ liên tục tăng lên trong tương lai. Hiện nay, các nhà máy nhiệt điện trong nước chủ yếu sử dụng than antraxit Việt Nam. Tuy nhiên, với nhu cầu than tăng mạnh của các nhà máy nhiệt điện, nguồn than này trong nước không đủ để cung ứng nên các nhà máy nhiệt điện xây dựng theo quy hoạch phải chuyển sang sử dụng than nhập khẩu (Vĩnh Tân, Duyên Hải 3 mở rộng…).

Theo dự báo về nhu cầu sử dụng than trong nước năm 2016 là 47,5 triệu tấn, năm 2020 là 86,5 triệu tấn, năm 2025 là 121,5 triệu tấn và năm 2030 là 156,6 triệu tấn. Theo đó, khối lượng than nhập khẩu phải tương ứng với sản lượng thiếu hụt nêu trên. Cụ thể, năm 2016 là 6,5 triệu tấn, năm 2020 là 36,4 triệu tấn, năm 2025 là 67 triệu tấn và năm 2030 gần 100 triệu tấn.

Nhằm hạn chế lượng than phải nhập khẩu, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Bộ Công Thương có kế hoạch dự trữ than cho kế hoạch sử dụng sau năm 2020, khi Việt Nam dự kiến sẽ phải nhập khẩu số lượng lớn để phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện, tiêu hao nhiên liệu. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cần tập trung vào chế biến những loại than mà trong nước đang có nhu cầu sử dụng, có yêu cầu cao thay vì chỉ tập trung khai thác, xuất khẩu.

Trong thời gian qua, nhiều nhà máy nhiệt điện, doanh nghiệp trong nước thay vì chọn than trong nước đã trực tiếp nhập khẩu than từ nước ngoài. Đây là một nghịch lý, bởi trong khi than trong nước tồn kho lớn, nhiều loại than có hiệu năng tương tự thì sản xuất bị ngưng trệ do không có đầu mối tiêu thụ thì than nhập từ nước ngoài lại ùn ùn vào Việt Nam với số lượng cực lớn. Thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/10, than nhập khẩu về Việt Nam đã đạt hơn 11 triệu tấn, tăng gấp gần 4 lần so với kế hoạch và tăng hơn 20 lần so với lượng than nhập cả năm 2015.

Than nhập khẩu đang gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt giá than từ Trung Quốc có giá cao ngất ngưởng. Đáng chú ý dù Trung Quốc là nước cung cấp than ít nhất cho Việt Nam (đứng thứ 4 trong số 4 nước cung cấp than cho Việt Nam sau Úc, Nga và Indonesia), tuy nhiên, giá than của Trung Quốc trung bình cao hơn nhiều so với các nước trên.

Việc giá than Trung Quốc cao bất thường so với giá bình quân của các loại than trên thế giới đã và đang là mối lo lớn bởi hiện đang có 3 nhà máy nhiệt điện Duyên hải 1, 2 và 3 đều do tổng thầu Trung Quốc hoặc có vốn vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc tham gia. Việc có mặt các nhà thầu Trung Quốc và vốn ngân hàng Trung Quốc sẽ chi phối về mặt công nghệ, với những công nghệ hao tốn nhiên liệu, đồng thời quá trình vận hành có thể phụ thuộc hợp đồng nguyên liệu từ các đối tác của Trung Quốc ký với chủ đầu tư.

Ngoài ra, ở một số khu công nghiệp, khu luyện cán thép như Formosa đều có những nhà máy nhiệt điện chạy công suất nhỏ, thay vì nhập than từ trong nước, các doanh nghiệp này đã tiến hành nhập than từ Trung Quốc. Các chuyên gia kinh tế đang đặt dấu hỏi về hiện tượng này có phải là một hình thức của chuyển giá hay không bởi nếu nhập từ Trung Quốc, với mức giá cao như trên doanh nghiệp sẽ không có lãi.

Phương Dung