1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mỗi giờ làm việc, người Việt chỉ tạo ra 43.000 đồng

(Dân trí) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trung bình năng suất lao động mỗi giờ của người lao động Việt Nam là 43.400 đồng. Nếu làm đủ 8 tiếng mỗi ngày, 26 ngày trong tháng, lao động Việt Nam tạo ra năng suất khoảng 9 triệu đồng/tháng.

Tại Báo cáo về năng suất lao động Việt Nam được Tổng cục Thống kê đưa ra mới đây, cơ quan này khẳng định năng suất lao động Việt Nam dù có tăng song vẫn chậm và chưa đột biến.

Mỗi giờ làm việc, người Việt chỉ tạo ra 43.000 đồng - 1

Năng suất lao động trung bình của người Việt mỗi giờ chỉ tạo ra hơn 43.000 đồng

Số liệu thống kê cho thấy mặc dù chỉ số này đã tăng so với các năm trước, song năng suất lao động của người Việt vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê nếu tính theo ngang giá sức mua của 2011, năng suất lao động mỗi giờ làm việc của Việt Nam đạt khá thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN. Năm 2015 chỉ đạt 1,4 USD, trong khi đó Malaysia đạt 24,9 USD; Thái Lan đạt 12,1 USD; Indonesia đạt 12 USD; Philippines đạt 8,4 USD.

Riêng Singapore đạt mức năng suất theo giờ rất cao với 54,9 USD nhưng do số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của một lao động ở Singapore cao hơn ở Việt Nam nên khoảng cách giữa năng suất tính theo mỗi giờ làm việc giữa Singapore và Việt Nam (12,5 lần).

Năng suất trên mỗi giờ làm việc của lao động Việt Nam năm 2018 theo giá hiện hành đạt 43,4 nghìn đồng, cao hơn 3,5 nghìn đồng so với năm 2017, bình quân giai đoạn 2011-2018 tăng 4,8%.

Tại Báo cáo Năng suất lao động Việt Nam, Tổng cục Thống kê cho biết năng suất chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2017 theo giá hiện hành đạt 298,7 triệu đồng/lao động, gấp 3,2 lần mức năng suất chung cả nước.

Đáng chú ý, năng suất lao động thuộc doanh nghiệp nhà nước đạt rất cao khi mỗi năm, lao động tạo ra hơn 678,1 triệu đồng, gấp 7,3 lần mức chung cả nước.

Nguyên nhân được chỉ ra là nhờ đẩy mạnh sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua. Năng suất lao động doanh nghiệp Nhà nước đạt mức cao chủ yếu vẫn dựa vào ưu thế trong việc phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài nguyên thiên nhiên.

Theo loại hình doanh nghiệp, các lao động trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra hơn 228,4 triệu đồng/lao động/năm, gấp 2,5 lần mức năng suất chung của cả nước; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 330,8 triệu đồng/lao động, gấp 3,5 lần.

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất của doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt thấp nhất, trong khi họ chiếm tới 96,7% tổng số doanh nghiệp, điều này ảnh hưởng nhiều đến năng suất chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.

Nguyên nhân chủ yếu phần lớn là doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên gặp hạn chế trong việc nâng cao năng suất, khó tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiếp cận tín dụng chính thức hạn chế, thiếu lao động có kỹ năng, khó tham gia và học hỏi từ chuỗi giá trị, không khai thác được hiệu quả kinh tế nhờ lợi thế về quy mô…

Theo Báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới thì tỷ lệ các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng nguyên vật liệu làm đầu vào trong nước ở Việt Nam đạt 67,6%, thấp hơn nhiều so với một số nước như Trung Quốc (97,2%); Malaysia (99,9%) hay Thái Lan (96,4%).

Theo Tổng cục Thống kê, sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.

Việt Nam cần tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện năng suất lao động.

An Linh