1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Mới có 50% khoản vay được giảm lãi suất: Giải mã căn nguyên

Sau hơn hai tuần triển khai, giai đoạn hồ hởi và dễ dàng nhất của việc giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ xuống còn 15% đã qua. Thay vào đó, tỉ trọng các khoản vay còn lại chưa được giảm lãi suất cho đến thời điểm hiện nay dường như sẽ bị lãng quên.

Qua phần dễ dàng

 

Nếu đúng như lộ trình mà các ngân hàng thương mại (NHTM) dự kiến thực hiện, nhóm các khách hàng đứng đầu trong danh sách xếp hạng tín dụng nội bộ cũng như phân loại nợ của các nhà băng sẽ là các nhóm đầu tiên được ưu tiên giảm lãi suất về 15%.

 

Với các khách hàng còn lại trong danh sách, được hiểu là yếu kém, có nợ khó đòi, sản xuất đình trệ và khả năng hấp thụ vốn kém, khả năng được giảm lãi suất sẽ càng xa vời.

 

Cho đến thời điểm này, lý thuyết lựa chọn khách hàng để giảm lãi suất của các nhà băng có thể được khái quát như vậy. Điều này cũng được củng cố bởi nhiều tuyên bố của lãnh đạo các NHTM cũng như của người đứng đầu NHNN là, sẽ không cứu doanh nghiệp (DN) bằng mọi giá.

 

Các con số thực tế sẽ làm rõ hơn lý thuyết lựa chọn khách hàng để giảm lãi suất của từng ngân hàng. Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cuối tuần qua công bố, cho đến ngày 27/7, toàn bộ các NHTM đều có văn bản chỉ đạo trong hệ thống của mình rà soát các khoản vay cũ, giảm lãi suất cho các khoản vay cũ về tối đa 15%.

 

Cho đến thời điểm số liệu được tổng hợp, tỉ trọng dư nợ các khoản vay cũ có lãi suất cao hơn 15% được giảm về tối đa 15%/năm đạt được con số 50%. Ngay tại Hà Nội, vốn là địa bàn tập trung chủ yếu hội sở chính của các NHTM thuộc nhóm lớn nhất nước, tỉ trọng được giảm lãi suất cũng chỉ đạt 50%. Dĩ nhiên ngoại trừ các NHTM thuộc hàng đại gia như Vietcombank, BIDV hay VietinBank vốn ngay từ rất sớm điều chỉnh lãi suất đối với 100% các khoản vay có lãi suất trên 15%/năm.

 

Xung đột lợi nhuận

 

Lợi nhuận và biên lợi nhuận sụt giảm sau các quyết định giảm lãi suất 15% là tác động đầu tiên và lớn nhất đối với từng NH. Song đây chưa hẳn là lý do chính quyết định việc các nhà băng không tiến hành giảm lãi suất ồ ạt.

 

Một số NH sớm công bố chỉ hạ lãi suất với các khoản vay ngắn hạn hoặc với các khách hàng nằm trong phân loại nợ nhóm một, trong 5 nhóm phân loại theo hướng xấu dần. Dù ủng hộ lời kêu gọi giảm lãi suất của NHNN, các NHTM cũng đưa quan điểm rõ ràng khi chỉ giảm lãi suất với các khách hàng thân thiết và đáp ứng đủ các điều kiện mà mỗi nhà băng đặt ra. Các điều kiện này có thể sẽ không nằm ngoài tình hình sản xuất thực tế, khả năng trả nợ, khả năng hấp thụ vốn cũng như cơ hội phát triển.

 

Vụ trưởng Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận, mức lãi suất cho vay thực tế được mỗi nhà băng đưa ra dựa trên chiến lược kinh doanh, mục tiêu lợi nhuận cũng như lãi suất nguồn vốn đầu vào. Do đó, việc giảm lãi suất cho vay đồng nghĩa với việc lợi nhuận và biên lợi nhuận của các NH sẽ giảm. Ở đây, yếu tố đồng lòng và chia sẻ khó khăn cùng DN của các nhà băng hướng đến việc thúc đẩy nền kinh tế lấy lại được đà tăng trưởng sẽ giữ vai trò then chốt trong quyết định giảm lãi suất của mỗi nhà băng.

 

Nhóm chuyên gia của một đơn vị kinh doanh thuộc BIDV cho rằng, dù có nhiều NHTM không chỉ hạ lãi suất các khoản vay cũ mà còn tung ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi hấp dẫn cho DN trong thời gian qua, thực tế mức lãi suất đầu vào của nhiều NH vẫn còn ở mức cao và các NH cũng cần thời gian để cân đối lại các nguồn đầu vào.

 

Báo cáo của đơn vị thuộc BIDV còn chỉ ra rằng, cho đến cuối tháng 7.2012, hiện tượng vượt trần lãi suất thực tế vẫn chưa dừng lại. “Bản  thân NHTM cũng  có những khó khăn nhất định trong việc triển khai hạ ngay lãi suất đầu ra, bởi thực tế lãi suất đầu ra được điều chỉnh 3-6 tháng/1 lần đối với DN và với các khoản vốn cho khách hàng cá nhân  vay trước đây, nếu như hợp đồng tín dụng chưa đến kỳ đáo hạn” – báo cáo được dẫn đưa phân tích.

 

Do đó, dù có mục tiêu là khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng, việc có giảm được lãi suất cũng cần sự nỗ lực từ phía các NHTM và DN để làm lành mạnh hóa các hoạt động tín dụng, các khoản vay và hạn chế nợ xấu, nợ quá hạn.

 

Nhìn vào biên lợi nhuận, trần lãi suất huy động 12% được áp dụng từ hơn 3 tháng trước đây sẽ là cơ sở tốt để lãi suất cho vay được điều chỉnh về mức 15%.

 

Song theo một đánh giá, cũng cần nhắc lại rằng, các NH nhỏ sẽ khó đáp ứng yêu cầu giảm lãi suất do họ đã huy động vượt  trần trong một thời gian dài để giữ khách.

 

Do đó với các khoản vay còn lại đang phải chịu lãi suất trên 15%, thời gian, khả năng cân đối nguồn vốn của các nhà băng và cố gắng của các DN sẽ quyết định việc lãi suất có giảm hay không.

 

Theo Văn Nguyễn

Lao động