1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mở thị trường 18.000 tỷ USD, EVFTA có ý nghĩa lớn trong thời kỳ dịch corona

(Dân trí) - Được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD.

Mở thị trường 18.000 tỷ USD, EVFTA có ý nghĩa lớn trong thời kỳ dịch corona - 1
EVFTA được đánh giá là tin tốt với xuất khẩu.

Nghị viện châu Âu (EP) vừa chính thức phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây là một cột mốc quan trọng trong quá trình đưa EVFTA vào thực thi.

Là một FTA thế hệ mới, Hiệp định được ông Trần Tuấn Anh nhận định là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, cũng như đem đến xung lực mới cho cả nền kinh tế.

Dịch virus corona đã và đang gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến các nền kinh tế trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc chịu nhiều bất lợi, ít nhất trong quý I.

Trong bối cảnh đó, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương nhận định hiệp định EVFTA được phê chuẩn sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU quy mô GDP tới 18.000 tỷ USD.

Hiện nay EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD.

Khi các Hiệp định EVFTA và EVIPA chính thức có hiệu lực, ông Trần Tuấn Anh cho biết thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới, giải quyết công việc làm cho người lao động. Riêng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).

Nhiều ngành chịu sức ép rất lớn

Với EVFTA, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu khi xuất sang EU ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau một lộ trình ngắn.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các Hiệp định FTA đã được ký kết cho tới nay.

Các ngành dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định này đều là những ngành Việt Nam vốn có lợi thế cạnh tranh cao như giày, dép, mũ, hàng dệt may và nông thủy sản.

Trong khi đó, các ngành chịu sức ép cạnh tranh dự kiến gồm có hóa chất; phương tiện và thiết bị vận tải; thực phẩm chế biến và sản phẩm kim loại cơ bản.

"Tuy nhiên, dù là các ngành được dự báo sẽ hưởng lợi tối đa nhưng cũng không hẳn là không phải đối mặt với thách thức. Rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ", Bộ trưởng Công Thương nhận định.

Điển hình như với nông sản, dù EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.

Ngoài ra, các quy định về quy tắc xuất xứ cũng sẽ là thách thức đối với ngành dệt may nếu muốn tận dụng được các ưu đãi về thuế quan do nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN.

"Điều quan trọng là phải tái cơ cấu lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam, đảm bảo doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh hiệu quả hơn, ngay cả đối với lĩnh vực có cạnh tranh trực tiếp", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.

Người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam sẽ luôn lắng nghe, nghiên cứu chính sách để đảm bảo lợi ích, hiệu quả của nền kinh tế quốc dân, trên cơ sở cân bằng yếu tố liên quan đến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu và quyền lợi của người tiêu dùng.

Công cụ phòng vệ, các biện pháp cần thiết trong khung khổ… chắc chắn sẽ được Chính phủ cẩn trọng nghiên cứu vì lợi ích chung.

Nguyễn Mạnh