1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

ĐBSCL:

Mô hình “bạc tỷ” giữa nông dân và doanh nghiệp

(Dân trí) - Nhà nông và doanh nghiệp đang chủ động bắt tay nhau tạo ra những mô hình làm ăn có hiệu quả, hứa hẹn sẽ là một lối đi bền vững đem về tiền tỷ cho nông nghiệp ĐSBCL.

Sản xuất - tiêu thụ khép kín

Nông dân miệt Tiền Giang đang rất hồ hởi trước thông tin xã viên HTX Mỹ Thành, huyện Cai Lậy trồng lúa đạt tiêu chuẩn quốc tế về thực hành sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng cao Global Gap.

Đây là cơ hội lớn cho nhãn hiệu hàng hóa tập thể “Gạo chất lượng cao, an toàn Mỹ Thành được sản xuất theo quy trình an toàn” được quảng bá rộng rãi trong và nước ngoài. Hiện tại, Công ty TNHH ADC đã bao tiêu toàn bộ lúa của xã viên HTX với giá thường trực cao hơn giá thị trường 20%.

Tương tự, HTX vú sữa lò rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) cũng đạt tiêu chuẩn Global Gap. Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX, cho biết, trong tháng 11 này sẽ có gần 50 tấn trái vú sữa cung cấp cho Công ty Metro xuất khẩu sang Nga và Đức…

Ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, nông dân 70 câu lạc bộ khuyến nông thuộc hai xã Thạnh Đông A và Tân An vừa triển khai sản xuất 2.000 ha lúa vụ đông xuân chất lượng cao theo đơn đặt hàng.

Đối tác là Công ty Angimex - Kitoku cùng với ngành nông nghiệp địa phương phân bổ giống lúa: OM 4900, OM 5930, ST8 và các giống lúa Nhật (Kinu, Hana, Akita, Koshi) cho nông dân.

Với hình thức liên kết này, nông dân ngoài việc tuân thủ giống còn được cung ứng quy trình sản xuất, đảm bảo về sản lượng hàng hóa, chủng loại, mẫu mã, chất lượng.

Trên lĩnh vực cây ăn trái, xã viên HTX Mỹ Hòa, huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long đang tập trung sản xuất sản phẩm chất lượng cao, an toàn, theo tiêu chuẩn quốc tế cung cấp cho chuỗi siêu thị Metro và xuất khẩu sang châu Âu với giá ổn định, cao gấp 2 - 3 lần so với giá thương lái thu mua đại trà.

Với những cách thức làm ăn trên, có thể thấy nông dân và doanh nghiệp đã hội nhập trong tư duy làm ăn mới. Nông dân được tiếp cận với quy trình sản xuất mang tính khoa học cao, năng suất và đầu ra ổn định, doanh nghiệp thì tạo cho mình được một nguồn nguyên liệu và thị trường bền vững.

Gắn bó và chia sẻ

Tháng 11 là thời điểm HTX cá tra Thới An (Ô Môn, Cần Thơ) chuẩn bị thu hoạch 5 ao cá của HTX. Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm HTX phấn khởi: “Cá đã đạt chuẩn, vào độ thu hoạch rồi, vụ này trúng lớn”.

Đây là số lượng cá nằm trong hợp đồng sản xuất 10.000 tấn cá giữa người nuôi với Công ty Hùng Vương. Ông Hải cho biết: Mỗi tháng cứ một đến hai lần, công ty lại cử cán bộ xuống cùng nông dân theo dõi con cá.

Với “Hợp đồng đầu tư nuôi trồng”, doanh nghiệp xắn tay cùng nông dân làm ra con cá nguyên liệu. Cái “bắt tay” của HTX Thới An với Công ty Hùng Vương trên phương thức: cùng chia sẻ lợi nhuận và khó khăn đang được giới nuôi cá tra tại ĐBSCL chú ý.

Theo hình thức liên kết này, công ty đầu tư toàn bộ thức ăn đạt chuẩn cho HTX trên công thức 1,7 kg thức ăn đạt 1kg cá nguyên liệu. Con giống, thuốc, công chăm sóc, kỹ thuật do HTX đảm nhận có sự hợp tác kiểm tra giám sát từ công ty.

Sau khi thu mua cá, công ty sẽ thanh toán lại cho HTX các khoản này (gọi tắt là tiền công) ở mức 2.500 đồng/kg cá nguyên liệu. Điều kiện kèm theo là nếu đạt tỷ lệ 80% cá thịt trắng (loại tốt) thì HTX sẽ được thưởng thêm 100 đồng/kg, ngược lại sẽ phạt: giảm 200 đồng/kg.

Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá của HTX, ông Hải khẳng định điều kiện này trong tầm tay và cầm chắc mức lãi 15 - 20% cho xã viên/mỗi vụ nuôi, chưa tính phần tiền thưởng.

Ông Hải cho biết, từ khi con cá tra xuất khẩu tới giờ, giá cả thăng trầm, lên xuống rất thường xuyên. Năm nào cũng có người trúng lớn và thua đậm. “Trước đây nuôi được con cá khỏe mạnh đã khó, bán được càng khó hơn. Năm nào cũng gặp phải cảnh cá bị treo hầm do không tìm được người nuôi, phải vay mượn khắp nơi để có tiền mua thức ăn duy trì con cá”.

Một nửa sản lượng được các nhà máy ký hợp đồng tiêu thụ, một nửa còn lại HTX phải đi tìm đối tác vào cuối vụ. Khi cá được giá thì doanh nghiệp tới bắt ngay nhưng gặp lúc cá ế thì chẳng ai hỏi.

Kể cả số lượng cá đã ký hợp đồng thì doanh nghiệp cũng sẵn sàng bỏ rơi người nuôi. Doanh nghiệp thường ký hợp đồng nhưng không bắt cá mà treo như thế có khi đến vài tháng, nông dân phải “cắn răng” đầu tư thức ăn, thuốc thang chờ họ đến bắt.

Khi cá quá lứa thì lại tìm cách ép giá, bắt chẹt nông dân. Với hình thức liên kết mới, nông dân không phải khổ sở tìm đầu ra nữa. HTX duy trì lợi nhuận ổn định 1,5 tỷ đồng/1.000 tấn cá. Ngoài HTX, đã có thêm 14 hộ nuôi ký hợp đồng liên kết với Công ty Hùng Vương. Tổng diện tích liên kết nuôi trồng đã trên 30 ha, sản lượng ổn định 20.000 tấn/năm (chiếm 90% sản lượng cá của quận của Ô Môn).

Nông dân đã bắt nhịp được với kiểu làm ăn mới, duy trì sự ổn định, đó là lựa chọn tất yếu. “Hình thức làm ăn này cũng chứng tỏ doanh nghiệp đã thật sự chung vai sát cánh với nông dân, không còn chụp giật như trước nữa”.

Nhật Trường