1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Metro “giấu” hơn 500 tỷ đồng bằng cách nào?

(Dân trí) - Cơ quan thanh tra thuế đã chỉ ra những chiêu “né thuế” rất tinh vi của Metro, trong đó nhiều khoản ẩn giấu rất kỹ trong chi phí; có những loại chi phí “khủng” được “gửi nhờ” ở Công ty mẹ và công ty liên kết khác tại Đức.

Liên quan đến việc thanh tra thuế tại Metro Cash & Carry Việt Nam mới đây, Tổng cục Thuế vừa chính thức có văn bản cho biết, giai đoạn từ năm 2002-2013, Metro kê khai lỗ trong 12 năm với số tiền 1.657 tỷ đồng; trong đó chỉ có lãi 1 năm vào 2010 với số tiền 173 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại công ty này 4 lần với thời gian thanh tra 9 năm (từ năm 2003-2011). 

Kết quả thanh tra, kiểm tra đến 31/12/2011 đã điều chỉnh giảm lỗ 500,4 tỷ đồng; xác định lãi 2 năm (2010, 2011) với số tiền 234,8 tỷ đồng, số tiền lãi này được bù vào số lỗ của các năm (năm 2005 là 73,3 tỷ; năm 2006 là 84,6 tỷ và năm 2007 là 76,9 tỷ). Số lỗ không được chuyển do quá hạn 5 năm là 272,6 tỷ đồng. Số lỗ lũy kế đến 31/12/2011 còn được chuyển lỗ theo quy định là 131,4 tỷ đồng.

Metro “giấu” hơn 500 tỷ đồng bằng cách nào?
Hoạt động lâu năm ở Việt Nam, nhưng với việc kê khai lỗ triền miên, Metro không đóng góp là bao cho NSNN

507 tỷ đồng giấu ở đâu?

Thanh tra Thuế đã yêu cầu công ty điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế với tổng số tiền 507 tỷ đồng. Số này bao gồm điều chỉnh thuế nhà thầu nước ngoài đối với các khoản chi phí bồi hoàn tiền lương trả cho Công ty Metro Cash & Carry Đức để trả cho các nhân viên nước ngoài làm việc tại Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam khoảng 62 tỷ đồng.

Thanh tra Thuế cũng yêu cầu điều chỉnh giảm khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với khoản tiền thu hỗ trợ quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại từ các nhà cung cấp (như các khoản chi phí in mã vạch, chi phí vận chuyển, lắp đặt sản phẩm, chi phí kiểm tra chất lượng, chi phí chương trình tiếp cận khách hàng, chi phí quảng cáo, chi phí ấn phẩm Metro, chi phí trưng bày đầu kệ, chi phí trưng bày sản phẩm, chi phí cung cấp thông tin...Các khoản thu này được Metro xác định như một khoản hỗ trợ từ các nhà cung cấp đơn vị hạch toán vào thu nhập khác và không kê khai nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra. Con số điều chỉnh là 110 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, điều chỉnh giảm lỗ tới 335 tỷ đồng đối với khoản chi phí nhượng quyền thương mại, chi phí không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho, chi phí trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi chưa đảm bảo các điều kiện, thủ tục.

Nhiều lý lẽ để lỗ

Trên thực tế, Metro có rất nhiều lý do để kê khai lỗ trong phần lớn thời gian 12 năm hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Lý do được trình bày nhiều nhất đó là việc đầu tư mở rộng cơ sở vật chất. Từ năm 2010 đến năm 2012, công ty mở thêm 10 trung tâm. Trong điều kiện hoạt động bình thường, một trung tâm mới cần từ 3 - 5 năm kể từ ngày khai trương để đạt được điểm hòa vốn.  

Thêm vào đó là chi phí hoạt động tăng cao trong quá trình hoạt động kinh doanh như chi phí hao hụt tổn thất, chi phí đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chi phí đảm bảo an ninh. Trong năm 2013, hao hụt tổn thất chiếm tới 1,15% doanh thu; chi phí cho an ninh chiếm 0,3% doanh thu...

Ngoài ra, chi phí trả cho các công ty liên kết ở Đức từ năm 2001-2013 là khá lớn như chi phí nhượng quyền thương mại lên tới 731 tỷ đồng; chi phí lương, thưởng và phụ cấp cho ban giám đốc và chuyên gia nước ngoài trả cho các cá nhân thông qua Metro Cash & Cary GmbH (MCC) tại Đức (chi phí bồi hoàn) cũng ở mức “khủng”  699 tỷ đồng...

Tuy nhiên, các khoản chi phí lớn nêu trên đã được đoàn thanh tra rà soát và loại khỏi chi phí hợp lý hợp lệ khi tính thuế TNDN hoặc thu thuế đối với những khoản không có chứng từ hợp lý hợp lệ theo quy định của pháp luật.

Hơn 1.000 tỷ đồng tiền thuế đã nộp NSNN

Metro Cash & Carry Việt Nam được thành lập tại Việt Nam theo Giấy phép đầu tư số 2195 ngày 14/3/2001 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cấp với vốn đầu tư ban đầu 120 triệu USD, vốn pháp định 36 triệu USD. Đến tháng 5/2013, tổng vốn đầu tư bổ sung của Metro đã là 301,23 triệu USD.

Theo đăng ký, Metro có thời gian hoạt động 50 năm. Ngành nghề kinh doanh là điều hành các trung tâm cash & carry, mua sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm trực tiếp từ nhà cung cấp để phân loại, bảo quản và kiểm soát chất lượng, chế biến và bán buôn cho khách hàng là doanh nghiệp…  Đến nay, mạng lưới hệ thống Metro gồm có 1 trụ sở chính và 15 chi nhánh (bao gồm 19 trung tâm) và 1 kho trung chuyển thuộc 16 tỉnh, thành phố.

Kể từ khi tiến hành đầu tư xây dựng năm 2001 và bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ 28/3/2002 đến 31/12/2014, tổng số thuế mà doanh nghiệp này đã kê khai và nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.015 tỷ đồng.

Trong đó, thuế thu nhập cá nhân là  260,1 tỷ đồng; thuế GTGT (bao gồm cả thuế GTGT nộp thay NTNN) là 370 tỷ đồng; thuế TNDN nộp thay nhà thầu nước ngoài là 126,6 tỷ đồng; thuế khác (thuế môn bài; tiền thuê mặt đất mặt nước, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, phạt…) tổng cộng 258,3 tỷ đồng. 

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”