1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

MB mạnh tay trích dự phòng hơn hai đồng cho một đồng nợ xấu

Việt Đức

(Dân trí) - Dù tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát, MB vẫn tăng trích lập dự phòng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của MB theo đó tăng lên tới hơn 230%, thuộc nhóm cao nhất toàn ngành.

Trích lập dự phòng gấp đôi, lợi nhuận vẫn tăng mạnh

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB) vừa công bố lợi nhuận quý III đạt 3.898 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ 2020. 

Thu nhập lãi thuần (NII) của MB tăng 26% so với quý III năm trước, đạt 6.515 tỷ đồng. Nguồn thu này chiếm tỷ trọng 75% trong tổng thu nhập hoạt động (TOI) 8.700 tỷ đồng của MB. 

Các nguồn thu khác như lãi từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư cũng đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập lãi từ mua bán chứng khoán của MB tăng mạnh nhất gần 300% so với cùng kỳ, thu về cho ngân hàng hơn 400 tỷ đồng.

Ngoài việc tăng trưởng mạnh các nguồn thu, MB còn tối ưu hoạt động khi hạ thấp tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) của ngân hàng. TOI tăng 30% nhưng chi phí hoạt động trong kỳ của MB chỉ tăng 7%.

Lợi nhuận của ngân hàng có thể còn tăng mạnh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cũng giống nhiều ngân hàng khác, MB phải tăng mạnh trích lập dự phòng trong quý III khi đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến dòng tiền của doanh nghiệp, người dân. Khoản trích lập trong kỳ vừa qua của MB lên tới 1.778 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi quý III năm trước.

MB mạnh tay trích dự phòng hơn hai đồng cho một đồng nợ xấu - 1

Biểu đồ: Việt Đức.

Lũy kế 9 tháng, NII của MB đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ 2020. TOI của ngân hàng đạt hơn 26.800 tỷ đồng, tăng 36% nhờ các nguồn thu nhập ngoài lãi tăng mạnh.

Sau khi hạch toán chi phí hoạt động, trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng 9 tháng đầu năm đạt 11.885 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Mức lãi này cao hơn lợi nhuận cả năm 2020 của chính ngân hàng này.

Mạnh tay bao phủ nợ xấu

Đến cuối tháng 9, dư nợ cho vay của MB tăng tới 13% so với hồi đầu năm nay, mức tăng trưởng vượt xa mặt bằng chung của toàn ngành. Trái ngược với một số ngân hàng khác, tỷ lệ nợ xấu của MB từ 1,1% xuống 0,9%.

Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của MB thậm chí còn giảm 40% xuống còn 853 tỷ đồng sau 9 tháng. Ngược lại, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 14%, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 37%. Nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của MB tăng hơn 50%.

MB mạnh tay trích dự phòng hơn hai đồng cho một đồng nợ xấu - 2

Biểu đồ: Việt Đức.

Khoản trích lập dự phòng của ngân hàng này tăng 70% từ 4.354 tỷ đồng cuối năm 2020 lên 7.418 tỷ đồng vào cuối tháng 9 vừa qua. Ngân hàng này vẫn nằm trong nhóm có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao nhất ngành, đạt hơn 200%.

Huy động tiền gửi của MB sau 9 tháng tăng trưởng tới 11%, con số cao hơn so với toàn ngành. Đặc biệt, tiền gửi của cá nhân tại ngân hàng này tăng trưởng tới 24% so với hồi đầu năm. Đến cuối tháng 9, tổng giá trị huy động tại MBBank lên tới 180.591 tỷ đồng, vượt tiền gửi của doanh nghiệp (163.358 tỷ đồng).

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của MB đến cuối quý III đạt 42%, chỉ thấp hơn Techcombank (49%). Đây là tỷ lệ rất cao so với mặt bằng chung của ngành ngân hàng khi các ngân hàng đều chạy đua tăng CASA để giảm chi phí vốn.

Đóng cửa phiên 27/10, cổ phiếu MBB tăng nhẹ 2% lên 28.400 đồng/cổ phiếu. Trong 3 tháng gần nhất, cổ phiếu của MB gần như chỉ đi ngang sau khi đã tăng mạnh trong nửa đầu năm.