1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Mất vốn, âm vốn chủ sở hữu, các "ông lớn" nông nghiệp kêu khó cổ phần hóa

(Dân trí) - Nếu như Tổng công ty Cà phê Việt Nam cho biết còn 4 đơn vị chưa thoái được vì các đơn vị này kinh doanh lỗ và âm vốn chủ sở hữu thì lãnh đạo Vinafood 2 cũng chia sẻ, do tổng công ty khó khăn thua lỗ nhiều năm, nên quá trình tái cơ cấu gặp nhiều trở ngại.

Ngày 14/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị Triển khai công tác tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước năm 2017 nhằm bàn các giải pháp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa (CPH) tại các DNNN do Nhà nước còn nắm giữ cổ phần chi phối.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Việc đổi mới công tác quản lý doanh nghiệp là cơ hội chúng ta tái sinh lại khu vực kinh tế Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới”.

Nhiều lý do được các doanh nghiệp đưa ra giải thích cho tình trạng cổ phần hóa chậm
Nhiều lý do được các doanh nghiệp đưa ra giải thích cho tình trạng cổ phần hóa chậm

Sắp cổ phần hóa, IPO Tập đoàn cao su và Vinafood 2

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, trong năm 2017, Bộ sẽ tiến hành CPH, phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) một số doanh nghiệp như: Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2). Theo đó, VRG sẽ tiến hành CPH và IPO trong quý III còn Vinafood 2 sẽ tiến hành trong quý II.

Hai doanh nghiệp này được tiến hành kiểm toán, sau kiểm toán sẽ xác định lại giá trị doanh nghiệp, sau đó sẽ “chốt” phương án CPH và sẽ tiến hành IPO. Hiện cả hai đều đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Ông Trần Ngọc Thuận- Tổng Giám đốc VRG cho biết, dù có khó khăn về giá cả cao su, nhưng sản xuất kinh doanh của tập đoàn vẫn ổn định. Năm 2016, công ty có lãi hơn 1.000 tỷ đồng từ nhiều hoạt động kinh doanh như kinh doanh gỗ và mủ cao su, kinh doanh các khu công nghiệp, lãi từ công nghiệp chế biến sản phẩm sau cao su.

“Đến thời điểm này, tập đoàn đã có 2 đơn vị cổ phần hóa thành công; thoái vốn trên 2.200 tỷ đồng, sau thoái vốn lãi trên 300 tỷ đồng. Công tác sắp xếp doanh nghiệp làm quyết liệt nên các đầu mối công ty cháu đã giảm đi rất nhiều”, ông Thuận nói.

Theo ông Thuận, giá cao su năm 2017 chưa thực sự vượt qua khó khăn, song dự kiến trung bình có thể đạt 40 triệu đồng/tấn. Ngoài thị trường Trung Quốc, hiện VRG đang mở rộng xuất khẩu ra các thị trường khác như Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản… với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 20-25%, song về cơ bản thị trường Trung Quốc vẫn là chính.

“Có thể trước mắt, cổ phiếu của cao su chưa thực sự hấp dẫn, nhưng về lâu dài đây vẫn là một cổ phiếu có tiềm năng lớn, bởi dự báo giá cao su sẽ còn tăng”- ông Thuận nhận định.

Theo kế hoạch, năm 2017, Bộ NN&PTNT cũng sẽ hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp với 2-3 doanh nghiệp để tiếp tục tiến hành CPH, bao gồm: Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) và có thể cả Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Hạ Long.

Vinafood 2 sẽ được cổ phần hóa và tiến hành IPO trong quý II tới
Vinafood 2 sẽ được cổ phần hóa và tiến hành IPO trong quý II tới

Khó cổ phần hóa vì mất vốn, âm vốn chủ sở hữu

Theo đánh giá của ông Phạm Quang Hiển, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT), một số doanh nghiệp tiến độ tái cơ cấu diễn ra còn chậm, có doanh nghiệp đã CPH không bán hết được cổ phần theo kế hoạch được phê duyệt, chưa tạo ra được những biến đổi lớn về hiệu quả sản xuất kinh doanh, cơ cấu tổ chức quản lý điều hành, quản trị doanh nghiệp còn bất cập.

Một vấn đề nữa là hiện nhiều doanh nghiệp khó CPH do đã bị mất vốn hoặc âm vốn chủ sở hữu. Ông Nguyễn Nam Hải – Tổng Giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay chúng tôi còn 4 đơn vị chưa thoái được vì các đơn vị này kinh doanh lỗ và âm vốn chủ sở hữu nên thoái không được, không thể bán cổ phần của công ty tại các đơn vị này. Vì vậy, trong vấn đề thoái vốn đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính cho hướng giải quyết phần vốn còn lại chưa bán được”.

Ông Huỳnh Thế Năng – Tổng Giám Vinafood 2 cũng chia sẻ: “Do tổng công ty khó khăn thua lỗ nhiều năm, nên quá trình tái cơ cấu cũng gặp nhiều trở ngại. Hiện nay chúng tôi chưa thể thoái vốn ở 8 đơn vị thành viên, đây là những đơn vị rất khó khăn, tỷ lệ bán cổ phần rất thấp, nếu bây giờ bán ra sẽ lỗ”.

Còn đối với VRG dù làm ăn có lãi, tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Thuận, khó khăn hiện nay lại là vấn đề thoái vốn bởi quy mô vốn lớn, trên 38.000 tỷ đồng, số tiền bán ra lớn như thế này thì khó tìm được cổ đông chiến lược, có năng lực tài chính để mua. Việc tìm kiếm cổ đông chiến lược cần sự hỗ trợ của các bộ ngành liên quan.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc đổi mới công tác quản lý doanh nghiệp là cơ hội để tái sinh lại khu vực doanh nghiệp do nhà nước quản lý. Kế hoạch 2017-2020, phải thực hiện nghiêm cả nội dung cổ phần, cả thực hiện chuyển giao vốn, cả nội dung thoái vốn. Bộ trưởng yêu cầu, nguyên tắc cổ phần hóa phải tuân thủ đúng quý trình pháp luật, minh bạch để đảm bảo quyền lợi nhà nước, chống thất thoát, tiêu cực.

Để thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp, Bộ trưởng cho rằng, phải xác định quyết tâm, trách nhiệm người đứng đầu. Song song quá trình tái cơ cấu cũng thúc đẩy quá trình sản xuất. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn chứng thành công của Công ty CP Đường Quảng Ngãi: “Thời kỳ đầu vất vả, nhưng bây giờ chính là nòng cốt tái cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt là cây mía. Năng suất ở đơn vị này là cao nhất, chuỗi sản phẩm dài nhất, lực lượng khoa học hùng hậu. Đặc biệt, một công ty cổ phần mà có Viện chiến lược nghiên cứu cả một tập đoàn gần 2.000 giống đậu tương trên thế giới để bổ sung thêm cho mặt hàng chiến lược là cây mía”.

Bích Diệp