1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Mất trắng 250 tỷ đồng/tuần vì đóng cửa “đường bay vàng” tới Trung Quốc

(Dân trí) - Dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng trực tiếp và lập tức tới ngành vận tải, đặc biệt là hàng không. Bằng chứng là Vietnam Airlines bị thiệt hại 250 tỷ đồng mỗi tuần do đóng cửa đường bay với Trung Quốc.

Ngày 1/2, Cục Hàng không Việt Nam đã công bố hủy toàn bộ phép bay, đóng cửa hoàn toàn đường bay giữa Việt Nam tới Trung Quốc đại lục, từ chối tiếp nhận tất cả các chuyến bay từ chiều ngược lại. Việc cấp phép mới chỉ được thực hiện sau khi được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Trung Quốc vốn là là thị trường trọng điểm nhất của hàng không Việt Nam. Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trước khi có dịch Covid-19, thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc có 14 hãng của cả hai nước tham gia khai thác, trong đó có 11 hãng Trung Quốc và 3 hãng nội địa Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air. 

Báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vận tải hàng không bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch gây ra. Trước đây, trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong thời gian dịch Việt Nam đã đã hủy toàn bộ chuyến.

Các dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không sẽ bị ảnh hưởng. Việc phải đóng cửa “đường bay vàng” tới Trung Quốc đại lục do dịch bệnh Covid-19 đã gây thiệt hại rất lớn.

Mất trắng 250 tỷ đồng/tuần vì đóng cửa “đường bay vàng” tới Trung Quốc - 1
Việt Nam đóng cửa đường bay với Trung Quốc từ ngày 1/2

Bằng chứng là chỉ tính riêng 1 tuần đầu tiên dừng khai thác Trung Quốc (từ ngày 1/2- 7/2), tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so cùng kỳ năm 2019, trong đó riêng thị trường quốc tế giảm 14,1%). Sản lượng vận chuyển của các hãng không Việt Nam đạt 1,06 triệu khách giảm 4%, trong đó vận chuyển quốc tế giảm 28% so cùng kỳ năm 2019.

Đánh giá sơ bộ của cơ quan quản lý hàng không cho biết, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay này của các hãng hàng không Việt Nam lên tới khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Vietnam Airlines - hãng hàng không Việt Nam khai thác lớn nhất tới thị trường Trung Quốc - thông tin: Ngay từ ngày 31/1, Vietnam Airlines đã dừng tất cả chuyến bay đến Trung Quốc. Các đường bay khác ngay lập tức cũng có những thay đổi. Hành khách hủy chuyến nhiều, do đó Vietnam Airlines đã phải giảm tần suất và dừng các đường bay đến Hongkong, Ma Cao.

“Cứ mỗi tuần kéo dài thêm dịch bệnh thì ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của VNA rơi vào khoảng 200-250 tỷ. Với kinh nghiệm trải qua dịch SARS, chúng tôi biết trước nhất dòng tiền sẽ giảm rất nhanh” - lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay.

Hiện nay mặc dù giá dầu cũng giảm nhanh theo nhưng điều nguy hiểm là tất cả các hãng hàng không đều không bay nữa. “Việc vượt qua khó khăn lần này là một thách thức rất lớn. Quan trọng nhất là dòng tiền, thứ hai là lợi nhuận về mặt bình quân của cả năm” - lãnh đạo Vietnam Airlines nói.

Mất trắng 250 tỷ đồng/tuần vì đóng cửa “đường bay vàng” tới Trung Quốc - 2
Mỗi tuần Vietnam Airlines mất 250 tỷ đồng vì đóng cửa thị trường Trung Quốc

Riêng các đường bay đến Trung Quốc, một tuần Vietnam Airlines hủy khoảng hơn 300 chuyến; tháng 2 này dự kiến là hơn 1.000 chuyến. Doanh thu sụt giảm rất nhanh ở cả mảng hành khách và hàng hóa, ước khoảng 20-25% trong nửa đầu tháng 2.

Ở trong nước, tác động mạnh nhất của dịch Covid-19 đối với hàng không là sau Rằm tháng Giêng. Từ đó đến nay, lượng khách trên các đường bay nội địa giảm sâu. Các đường bay đến các điểm du lịch hầu như hết khách du lịch. Các đường bay nhiều khách công vụ cũng giảm đến 20-30% như Hà Nội - TPHCM.

“Chúng tôi đang áp dụng tất cả các giải pháp để giảm thiểu chi phí, một trong các giải pháp là điều chỉnh chuyến bay phù hợp với số lượng khách còn lại. Ngoài ra, chúng tôi cũng cắt giảm chi phí khi làm việc với nhà cung ứng trong chuỗi sản xuất, điều chỉnh kế hoạch cũng như nhận sự hỗ trợ của các nhà cung ứng như giãn thời gian thanh toán, giảm giá…” - lãnh đạo Vietnam Airlines nói.

Được biết, các hãng hàng không Việt Nam đang có những báo cáo lên Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ và các Bộ, ngành để có kế hoạch chi tiết giúp phục hồi thị trường vào năm 2021 và 2022.

“Chúng tôi đánh giá lần ảnh hưởng này lớn hơn nhiều về mặt quy mô cũng như phạm vi so với dịch SARS năm 2003” - lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết thêm.

Châu Như Quỳnh