1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mặt bằng lãi suất thế nào từ nay đến cuối năm?

(Dân trí) - Việc giữ ổn định, không để lãi suất tăng là một thành công đáng ghi nhận của ngành ngân hàng trong thời điểm hiện nay. Nhà điều hành cũng xác định các giải pháp để ổn định mặt bằng lãi suất thời gian tới.

Sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được chỉ đạo xây dựng lộ trình báo cáo Thủ tướng, quyết tâm từ nay đến cuối năm đưa ra các kịch bản giảm lãi suất. Ngoài ra, trong định hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, Thủ tướng cũng yêu cầu điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, phấn đấu giảm lãi suất, góp phần giảm chi phí đầu vào và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Điều hành lãi suất - không chủ quan với lạm phát

NHNN cũng thể hiện quyết tâm giảm lãi suất khi ban hành Chỉ thị 04 về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng cuối năm. Một trong những yêu cầu được Thống đốc đưa ra là ổn định lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên sau 2 tháng, tại phiên họp Chính phủ trực tuyến chiều ngày 1/7, nhận định thời gian tới, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng, sức ép tăng lãi suất trên thị trường là rất lớn, xuất phát từ kỳ vọng lạm phát. Do đó, điều hành cần rất thận trọng, không chủ quan với lạm phát, ngoài điều hành giá nói chung thì cần cân nhắc và thận trọng các hoạt động vĩ mô khác, để tránh tác động điều hành lãi suất.

"Vì sức ép lạm phát sẽ tạo nên sức ép vốn và lãi suất đầu vào cao. Bởi hiện nay, nguồn vốn tập trung cho kinh tế chiếm phần lớn là nguồn tín dụng ngân hàng, nhu cầu huy động trái phiếu cũng cao hơn, nên cần chủ động linh hoạt trong điều hành, để giữ ổn định lãi suất cho vay, là rất cần thiết", Thống đốc nhấn mạnh.


Việc giữ ổn định, không để lãi suất tăng là một thành công đáng ghi nhận của ngành ngân hàng trong thời điểm hiện nay. Nhà điều hành cũng xác định các giải pháp để ổn định mặt bằng lãi suất thời gian tới.

Việc giữ ổn định, không để lãi suất tăng là một thành công đáng ghi nhận của ngành ngân hàng trong thời điểm hiện nay. Nhà điều hành cũng xác định các giải pháp để ổn định mặt bằng lãi suất thời gian tới.

Theo lãnh đạo NHNN, để đảm bảo không chủ quan với diễn biến của lạm phát, NHNN tiếp tục theo dõi rất sát diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát, diễn biến tốc độ giải ngân của nguồn vốn từ ngân sách để điều tiết lượng thanh khoản cũng như tín dụng cho nền kinh tế phù hợp nhằm đảm bảo mục tiêu chính sách tiền tệ đề ra.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh cho rằng, khó khăn cho Chính phủ là nguồn lực tài chính, nên việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và toàn bộ doanh nghiệp trong việc duy trì lãi suất thấp không hề dễ. Lãi suất nếu không được kiểm soát tốt rất có thể lạm phát tăng trở lại, khi đó giá các mặt hàng cơ bản đang có dấu hiệu phục hồi lại trông chờ tăng trở lại.

Tuy nhiên, chúng ta có lợi thế là lợi suất trái phiếu chính phủ đang có xu hướng đi xuống, lãi suất liên ngân hàng cũng đang ở mức khá thấp, đó là điều trong ngắn hạn có thể duy trì lãi suất ở mức thấp. Song về dài hạn cần phải kiểm tra dư địa của chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa còn bao nhiêu.

Giữ lãi suất không tăng đã là thành công

Theo các chuyên gia, dư địa giảm lãi suất không còn nhiều, việc giữ được mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay đã là một thành công.

TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc giữ ổn định, không để lãi suất tăng là một thành công đáng ghi nhận của ngành ngân hàng trong thời điểm hiện nay. Ông đánh giá: “Trong 6 tháng đầu năm, ngành ngân hàng đã giữ ổn định đồng tiền, cố gắng không để lãi suất cho vay tăng lên - nhiệm vụ mà trước đó nhiều chuyên gia dự báo rằng rất khó thực hiện nhưng đến nay hệ thống ngân hàng vẫn làm được”.

Một trong những nguyên nhân khó giảm lãi suất cho vay đó là nợ xấu. Đây là một thực tế mà cả chuyên gia kinh tế và lãnh đạo ngân hàng thừa nhận. Vì nợ xấu cao, các ngân hàng buộc phải cho vay cao để bù đắp lại chi phí liên quan đến nợ xấu. Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cho rằng lãi suất là vấn đề rất lớn trong năm 2016.

“Các ngân hàng thương mại (NHTM) không có khả năng hạ lãi suất do nợ xấu cơ bản không được giải quyết mà chủ yếu là “lùa” vào VAMC. Trong khi đó, vì thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết tài sản thế chấp, không tạo được thị trường mua bán nợ nên nợ xấu được VAMC mua về vẫn chủ yếu nằm lại trong kho. Nợ xấu cao, chưa được giải quyết khiến vốn hiệu dụng của ngân hàng thấp”, ông Tuyển phân tích.

Ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm nay, đồng thời cho rằng tỷ giá sẽ ổn định và lãi suất khó có dư địa giảm thêm.

Ông Chidu nhận định: “Tôi không thấy cơ sở để NHNN giảm lãi suất hơn nữa, vì hiện mặt bằng lãi suất đã rất thấp rồi. Thêm vào đó, tín dụng đã tăng khá tốt trong những tháng đầu năm và tôi tin tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục tăng tốt hơn nữa trong nửa còn lại của năm nay, qua đó phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đặt ra. Tôi cho rằng đó cũng là mức tối ưu - mức vừa đủ cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh và không quá cao để có thể gây tổn thương cho hệ thống. Với cách nhìn như vậy chúng tôi dự đoán, lãi suất sẽ ổn định từ nay đến cuối năm”.

Ổn định mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm

Về định hướng điều hành lãi suất, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, khi Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, NHNN đã xác định các giải pháp để ổn định được mặt bằng lãi suất, ngăn được nguy cơ các tổ chức tín dụng tăng lãi suất trên thị trường I (huy động vốn từ dân cư và các tổ chức kinh tế) thông qua các giải pháp cụ thể như: Hàng ngày NHNN điều tiết lượng thanh khoản vốn khả dụng của tổ chức tín dụng dư thừa ở mức hợp lý và cho phép lãi suất liên ngân hàng ở mức tương đối thấp để hỗ trợ cho việc ổn định mặt bằng lãi suất.

Đồng thời với việc đó, NHNN cũng đã hỗ trợ cho phát hành trái phiếu Chính phủ nhưng vẫn đảm bảo ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Đối với mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay, Thống đốc NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD tiết kiệm chi phí, cân đối nguồn vốn, huy động và sử dụng vốn một cách hợp lý để giảm được lãi suất cho vay. Sau đó, một số TCTD đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay trung, dài hạn.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), mặc dù lãi suất huy động tăng nhẹ trong những tháng đầu năm, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn tương đối ổn định.

Từ cuối tháng 4, thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN, một số NHTM nhà nước và NHTM cổ phần đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Hiện mặt bằng lãi suất huy động dưới 6 tháng phổ biến ở mức 4,5-5,4%/năm; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,4-7,2%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn, đối với nhóm khách hàng tốt, lãi suất cho vay từ 5-6%/năm.

Phương Linh