1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Mạnh dạn trao cơ hội, đừng đắn đo sợ tư nhân không làm được”

(Dân trí) - Tư nhân tham gia tạo ra sự “thay da đổi thịt” của thị trường hàng không. Doanh nghiệp tư nhân hoàn thành sân bay quốc tế chỉ với gần 2 năm, xây dựng nhà máy, sản xuất ô tô chỉ trong 21 tháng… Những “kỳ tích” đó được PGS.TS Hoàng Văn Cường, ủy viên UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội mổ xẻ, phân tích.

- Qua các kỳ Đại hội Đảng gần đây, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân đã, đang được khẳng định và nhấn mạnh. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của kinh tế tư nhân thể hiện trong thực tế hiện nay?

- Trước hết phải nói, quan điểm về kinh tế tư nhân có sự thay đổi rất căn bản thời gian qua. Từ chỗ kinh tế tư nhân bị coi như là mầm mống nảy sinh bóc lột, gần như bị bài xích, bị coi là lực lượng cản trở tiến bộ của chế độ công hữu, phát triển kinh tế theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung. Từ sau đổi mới với chủ trương chuyển sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân đã được thừa nhận và xếp bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.

Chủ trương bình đẳng đã có từ lâu nhưng thực tế, trong bảng sắp xếp thứ tự, kinh tế tư nhân vẫn bị đặt ở vế sau. Sự bình đẳng đó mới chỉ ở trên các tuyên bố, tuyên ngôn mà chưa thể hiện ở chỗ đứng của thành phần kinh tế này trong xã hội. Sự “lép vế” của kinh tế tư nhân trên thực tế có thể thấy ở chỗ, trên mọi lĩnh vực, mọi hoạt động kinh tế xã hội, những nguồn lực lớn nhất, quan trọng nhất đều tập trung cho các khu vực doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ chứ không phải là doanh nghiệp tư nhân.

“Mạnh dạn trao cơ hội, đừng đắn đo sợ tư nhân không làm được” - 1
Đại biểu Hoàng Văn Cường: "Ông chủ của các doanh nghiệp, tập đoàn không thể đút hết tài sản tiền bạc của mình vào túi, không thể đóng cửa lại, gom tất cả tài sản để đấy để dùng riêng được".

Hội nghị Trung ương 10 khóa XII (tháng 5/2019), Đảng đã khẳng định kinh tế tư nhân sẽ trở thành một động lực quan trọng của phát triển. Theo đó, nhà nước chủ trương đưa kinh tế quốc doanh, các doanh nghiệp Nhà nước đi theo lộ trình tái cấu trúc lại, thoái vốn Nhà nước khỏi các lĩnh vực kinh tế Nhà nước không cần độc quyền, không cần nắm quyền chi phối, nhường sân cho khu vực tư nhân. Điều đó có nghĩa Nhà nước đặt kinh tế tư nhân vào vị trí trọng tâm cho quá trình đóng góp cho nguồn lực phát triển.

Những đóng góp của kinh tế tư nhân đã và đang tạo ra những thành tố lớn của xã hội. Tư nhân tạo ra số lượng lớn công ăn việc làm. Phần lớn các sản phẩm tiêu dùng trong đời sống dân sinh, các dịch vụ cơ bản đều do tư nhân cung cấp chứ không phải là từ khu vực Nhà nước. Đó là đóng góp vô cùng quan trọng trong phát triển đời sống kinh tế xã hội. Vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được được nâng lên và khẳng định vị trí trong nền kinh tế quốc dân và đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội.

Dấu ấn đều được tạo bởi doanh nghiệp tư nhân

- Nếu như trước đây các DNNN được kỳ vọng là “quả đấm thép” của nền kinh tế thì hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn được xem là “đòn bẩy” quan trọng của nền kinh tế. Điển hình, có thể thấy sự đầu tư của các Tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, FLC… đã đưa Quảng Ninh bứt phá thần tốc về tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng du lịch vừa qua. Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của các “sếu đầu đàn” trong phát triển kinh tế?

- Trên thực tế, trong những năm gần đây, có rất nhiều những tập đoàn tư nhân đã nổi lên, vượt qua những doanh nghiệp Nhà nước và khẳng định được đúng vị thế của mình trong xã hội. Chúng ta nhìn thấy những lĩnh vực có dấu ấn, để lại dấu ấn về trình độ phát triển, phần lớn đều được tạo ra từ những tập đoàn tư nhân.

Ví dụ, trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, Việt Nam cũng từng có những doanh nghiệp Nhà nước với lịch sử phát triển lâu dài, được dành rất nhiều ưu ái về nguồn lực nhưng đến nay lại không thấy được những sản phẩm mang lại dấu ấn mà rõ ràng những khu đô thị văn minh hiện đại, những công trình mang dấu ấn đều được tạo bởi khu vực tư nhân.

Chính những tập đoàn kinh tế tư nhân đã thúc đẩy sự phát triển và mang lại sự thay đổi về diện mạo cho cả một khu vực, một vùng chỉ trong thời gian rất ngắn.

Điều đó chứng tỏ tư nhân đã đặt chân và khẳng định được vị thế của mình trong quá trình phát triển của kinh tế xã hội, đất nước. Đấy là điều mà chúng ta phải thừa nhận, không chỉ về quan điểm mà cả thực tiễn đều phải thấy vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân, nhất là những “sếu đầu đàn”.

Thực tế cũng cho thấy, trong mọi vấn đề, không phải chỉ doanh nghiệp Nhà nước lớn, giàu kinh nghiệm mới làm được, còn tư nhân thì không. Điển hình như lĩnh vực hàng không, trước đây chúng ta chỉ có Vietnam Airlines – hàng không do Nhà nước đầu tư nhưng nhiều chục năm sau giao thông hàng không mãi vẫn là một lĩnh dành riêng cho những khách hàng cao cấp. Nhưng từ khi có các tập đoàn tư nhân tham gia thị trường hàng không, sự thay đổi đã diễn ra vô cùng nhanh chóng, sản phẩm dịch vụ hàng không phát triển đa dạng, tạo cơ hội cho mọi đối tượng người dân được tiếp cận.

Hay như việc xây dựng cảng hàng không, thời gian trước chúng ta tưởng như nếu không phải là Nhà nước thì không ai làm được nhưng giờ đây, một tập đoàn tư nhân đã làm toàn bộ một sân bay quốc tế (sân bay Vân Đồn), chỉ trong gần 2 năm với chất lượng và trình độ kỹ thuật cao, được thế giới ghi nhận.

Như vậy, doanh nghiệp tư nhân đã chứng tỏ được khả năng phát triển và đáp ứng được những sản phẩm ở mọi lĩnh vực, cả những lĩnh vực được coi là cao cấp như hàng không, đầu tư sân bay, cảng biển. Điều đó cho thấy, chúng ta cần tin tưởng rằng, tư nhân nếu như được tạo điều kiện, tạo cơ hội, đặt niềm tin thì người ta có thể làm được những điều mà chúng ta nghĩ là không thể.

- Ông nói đến những “kỷ lục về tiến độ” do các tập đoàn tư nhân tạo ra, như làm sân bay Vân Đồn chỉ trong gần 2 năm, nhà máy ô tô Vinfast hoàn thiện trong 21 tháng. Ngay tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi “Vì sao các công trình giao tư nhân làm thì nhanh và hiệu quả”. Theo ông, đâu là câu trả lời cho câu hỏi này?

- Các doanh nghiệp tư nhân có thể trong thời gian ngắn làm được nhanh những công trình như thế, ở những lĩnh vực chưa từng tham gia trước đây trong khi những công việc đó nếu do Nhà nước đầu tư thì rất chậm… theo tôi, chính là sự thể hiện lợi thế của khu vực tư nhân so với kinh tế của Nhà nước.

Lý do đầu tiên đó là nguồn lực. Nguồn lực của khu vực tư nhân hoàn toàn nằm trong tầm quyết định của nhà đầu tư, không phụ thuộc vào các quyết định hay sự chấp nhận của người khác. Theo đó, khả năng khai thác các nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân năng động hơn rất nhiều, trong khi khu vực Nhà nước phải phụ thuộc vào ngân sách, vào cơ chế cấp phát vốn, kiểm soát đầu tư.

Thứ hai, trong quá trình triển khai quyết định, khu vực Nhà nước sẽ bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính rất phức tạp buộc phải tuân thủ, có khi mất thời gian, qua nhiều bước thủ tục nhưng chưa chắc đã lựa chọn được phương án tối ưu nhất; nhưng tư nhân thì không cần như vậy vì đồng tiền của họ đầu tư, người ta chỉ phải làm sao để đảm bảo có hiệu quả cao nhất là người ta quyết định ngay.

Tóm lại, với tư nhân, người ta có quyền chủ động để tìm nguồn lực, hoàn toàn có quyền quyết định không bị ràng buộc thể chế nên có điều kiện năng động phát huy sáng tạo để tìm ra được cách thức làm tốt nhất và chấp nhận ngay.

Ông chủ tập đoàn không thể đút hết tiền bạc vào túi riêng!

- Ở Hàn Quốc, các chaebol (tập đoàn gia đình) như Samsung Electronics Co. và Hyundai Motor Co… được đánh giá là giữ vai trò trung tâm trong việc đưa nền kinh tế nông nghiệp khiêm tốn của Hàn Quốc vào những năm 1960 trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vậy thì theo ông, cần làm gì để Việt Nam có nhiều hơn nữa những Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế?

- Trước hết phải tính, có cần e sợ với sự phát triển của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân rằng nó sẽ mang lại lợi ích cho tư nhân không? Câu trả lời rõ ràng là không.

Những công trình lớn, những sản phẩm tạo ra từ họ, người hưởng lợi là toàn xã hội xã hội, là đất nước, là người dân chứ bản thân ông chủ của doanh nghiệp, tập đoàn đó người ta cũng không thể đút hết tài sản tiền bạc của mình vào túi, không thể đóng cửa lại, gom tất cả tài sản để đấy để dùng riêng được.

Như vậy, đừng nên nghĩ chỉ Nhà nước mới là mang lại lợi ích cho xã hội mà thực sự, sự phát triển của các tập đoàn tư nhân, các doanh nhân mang lại lợi ích, mang lại sự phát triển và phồn vinh của xã hội. Và càng không nên phân biệt phải dành cho Nhà nước hay tư nhân ưu đãi gì riêng.

Chúng ta cũng đừng đắn đo chuyện lựa chọn việc gì mới cho tư nhân làm. Trong các lĩnh vực cần chi phối thì Nhà nước cần giữ các khâu có vai trò chủ đạo để giữ vai trò là người điều khiển, cầm trịch, còn tham gia khu vực đó hoàn toàn có thể là tư nhân. Đối với những lĩnh vực phát triển vì mục tiêu kinh tế đơn thuần, lấy tiêu chí hiệu quả kinh tế là yếu tố đưa lên hàng đầu thì hãy để tư nhân làm, Nhà nước không nên tham gia, nếu có tham gia chỉ thực hiện những khâu, những việc mà tư nhân không muốn làm và không làm nhưng xã hội cần phải có.

Khi nhìn nhận như vậy thì chúng ta phải hành động, phải mạnh dạn trao cơ hội cho tư nhân. Nếu chúng ta muốn có được các tập đoàn tư nhân lớn thì chúng ta phải trao cơ hội để hình thành các doanh nghiệp như vậy chứ cứ để tự doanh nghiệp tích tụ, lớn dần lên thì cần rất lâu dài, mất thời gian và thậm chí nhiều khi mất cơ hội.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, mở cửa sâu rộng hiện nay, sức cạnh tranh từ bên ngoài rất lớn, nếu chỉ có những tập đoàn nhỏ, những doanh nghiệp nhỏ sẽ không thể đủ sức chống lại sự cạnh tranh của các tập đoàn lớn nước ngoài. Vậy thì Nhà nước cần phải chủ động sử dụng các công cụ thị trường chuyển đổi các cơ sở kinh tế Nhà nước không cần nắm giữ tạo cơ hội để hình thành ngay những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn chứ không phải chỉ trông chờ doanh nghiệp tự lớn dần.

- Xin cảm ơn ông!

Phương Thảo (thực hiện)