1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

M&A đối mặt thách thức vì vướng… hàng loạt “hàng rào” chính sách

(Dân trí) - Hoạt động M&A đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, hoạt động này lại đang đứng trước nhiều thách thức và phải “ngồi đợi” những thay đổi từ... chính sách.

Chiều 6/8, tại TPHCM, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 11 - năm 2019 đã diễn ra với sự tham gia của 26 diễn giả và 500 lãnh đạo cao cấp đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, tập đoàn kinh tế, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.

MA đối mặt thách thức vì vướng… hàng loạt “hàng rào” chính sách - 1
Theo ông Vũ Đại Thắng, thị trường M&A Việt Nam trông đợi những thay đổi mạnh mẽ từ quá trình ban hành và thực thi chính sách

Diễn đàn M&A 2019 với chủ đề “Thay đổi để bứt phá” được tổ chức trong bối cảnh hoạt động M&A đang đứng trước một lực hút lớn cho dòng vốn trên toàn cầu. Cùng với đó là những chuyển động chính sách mới của Chính phủ Việt Nam để tạo thuận lợi cho hoạt động M&A cũng như việc thực thi và ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA…

Theo Ban tổ chức, bên cạnh những thuận lợi nói trên thì hoạt động M&A ở Việt Nam vẫn còn gặp phải nhiều thách thức. Đó là sự thay đổi chính sách thương mại quốc tế của các nền kinh tế lớn. Hay như các trở ngại từ tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những rào cản chính sách còn chưa được khơi thông của nền kinh tế Việt Nam và tư duy đón nhận dòng vốn từ các nhà đầu tư của các chủ doanh nghiệp vẫn còn nhiều ngần ngại…

Tại diễn đàn, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho hay, nhìn lại chặng đường 10 năm qua, có thể thấy, hoạt động M&A đã tăng trưởng không ngừng và trở thành một xu thế mạnh trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Nếu như năm 2009, tổng giá trị thương vụ M&A mới chỉ đạt 1,1 tỷ đô la Mỹ thì đến năm 2018, theo thống kê của Diễn đàn M&A Việt Nam, con số này đã vượt mốc kỷ lục 10,2 tỷ đô la Mỹ, đưa tổng giá trị thương vụ trong thập kỷ qua đạt khoảng 55 tỷ đô la Mỹ.

Theo ông Thắng, hoạt động M&A đã đóng vai trò tích cực vào quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu và rộng. Đồng thời, số lượng thương vụ thành công ngày càng nhiều, trong đó có những thương vụ giá trị rất cao và mối quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã phần nào cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường M&A Việt Nam.

Chính vì thế, để tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang chủ trì xây dựng, dự kiến trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP)…

Thêm nữa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, thường được gọi tắt là Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới. Căn cứ trên đề án này, Bộ Chính trị sẽ lần đầu tiên ban hành một Nghị quyết riêng về thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới.

MA đối mặt thách thức vì vướng… hàng loạt “hàng rào” chính sách - 2
Chiều 6/8, tại TPHCM, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam thường niên lần thứ 11 - năm 2019

Đặc biệt, ngoài việc đưa ra các định hướng chiến lược mới trong thu hút đầu tư nước ngoài, theo hướng ưu tiên thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chuyển từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, quan trọng nhất đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…, thì chủ trương của Chính phủ Việt Nam là tới đây sẽ áp dụng các hình thức đầu tư mới, đầu tư xuyên biên giới không góp vốn (NEM), mở rộng phương thức mua bán và sáp nhập (M&A).

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng, tất cả những yếu tố tích cực trên đang mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam với nhiều cơ hội bứt phá, đưa M&A trở thành kênh thu hút đầu tư quan trọng trong thời gian tới.

"Để có thể thực sự bứt phá, thị trường M&A Việt Nam trông đợi những thay đổi mạnh mẽ từ quá trình ban hành và thực thi chính sách đến các hoạt động kết nối, thực thi thương vụ và sự đổi mới, sáng tạo trong các bên mua và bên bán”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nói.

Quế Sơn