1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lương chưa tăng, doanh nghiệp đã lo phá sản

(Dân trí) - Vasep cho rằng, trước thềm hội nhập khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, tiềm lực yếu, “gánh nặng” tăng lương tối thiểu đến 16% có thể làm giảm cơ may “sống sót” của các doanh nghiệp.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có văn bản gửi Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 với mức tăng từ 350.000 - 550.000 đồng, tức là tăng khoảng 16% so với mức hiện có.

Theo phương án đề xuất của Tổng liên đoàn, vùng 1 tăng lên 3.650.000 đồng; vùng 2 là 3.200.000 đồng; vùng 3 là 2.800.000 đồng và vùng 4 là 2.500.000 đồng. Đề xuất này dựa trên cơ sở: mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động.

Mức tăng lương được cho là hợp lý để thực hiện lộ trình đến năm 2017, mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Trong khi đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra 3 phương án điều chỉnh tiền lương với mức tăng bình quân là 12,4%, 11,4% và 10,7%. Còn cơ quan đại diện cho tiếng nói các doanh nghiệp là VCCI lại kiến nghị nên để mức tăng lương là 9-10%. Hiện tại, các bên vẫn đang bảo lưu quan điểm của mình và vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Theo kế hoạch, ngày 3/9, Hội đồng Tiền lương sẽ đưa ra quyết định trong phiên họp cuối cùng.

luong-toi-thieu-1441099344732
Vẫn chưa bên nào nhượng bộ trong vấn đề tăng lương tối thiểu vùng (ảnh minh họa)

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) dẫn ý kiến của các doanh nghiệp trong ngành cho biết, khi tăng lương tối thiểu vùng thì các vật giá thiết yếu với người lao động sẽ tăng từ 20-30%, trong khi đó hiện nay doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Do đó, việc tăng này chỉ làm cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành thủy sản tăng thêm chi phí đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) và phí công đoàn.

Theo tính toán, với doanh nghiệp có 15.000 lao động thì mức lương bình quân năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015 vào khoảng 5,3 triệu đồng và 5 triệu đồng, gần gấp đôi lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng 35% lên tới trên 152,7 tỷ đồng, phí công đoàn trích ra 2% tổng quỹ lương BHXH cũng tăng 35% lên 9,7 tỷ đồng. Đây là một “gánh nặng” đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, phía Vasep cho biết.

Trong khi đó, lợi nhuận bình quân của ngành thủy sản chỉ từ 2-3%. Thậm chí năm nay thị trường xuất khẩu xấu, giá tôm Việt Nam lại cao nên hầu như doanh nghiệp tôm không có lãi mà còn bị lỗ. Trong khi đó tiền lương chiếm 15% giá thành nên nếu tăng lương tối thiểu vùng lên 10% và đóng các loại bảo hiểm, kinh phí công đoàn theo thực tế tiền lương thì doanh nghiệp bị lỗ ngược lại từ 1,5-2,5%.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2015, cả nước có trên 39.000 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, đồng thời có gần 6.300 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh (trong đó hơn 93% là doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ).

Các số liệu của VCCI cũng cho thấy, hiện tỉ lệ doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%; còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi.

Vasep cho rằng, trước thềm hội nhập khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, tiềm lực yếu khi chuẩn bị tham gia vào sân chơi rộng thì Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn về phương án trình sắp tới.

Theo như nhận xét của một số doanh nghiệp thì gánh nặng này có thể làm giảm cơ may “sống sót” của các doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập, vì đây mới chỉ là một khoản trong hàng trăm hàng nghìn khoản chi phí khác đang và sẽ tăng theo.

Bích Diệp

 

Lương chưa tăng, doanh nghiệp đã lo phá sản - 2