1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lực đỡ VNM, HPG ngăn đà giảm sâu

(Dân trí) - Thị trường bất ngờ có diễn biến khả quan vào nửa cuối phiên giao dịch khi VNM, HPG tăng trần đầy ấn tượng giúp tốc độ giảm của Vn-Index có phần chậm lại.

Lực đỡ VNM, HPG ngăn đà giảm sâu - 1
 
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay 21/4, cổ phiếu vẫn đồng loạt giảm giá, Vn-Index tiếp tục đi xuống nhưng tốc độ giảm đã có phần chậm lại.

Trong nửa đầu phiên giao dịch sáng nay, hầu hết các mã cổ phiếu giảm giá mạnh, thị trường tiếp tục có diễn biến ảm đạm khi sức cầu trên sàn suy kiệt khiến giao dịch chỉ còn bằng 1/4 so với đợt 1 phiên giao dịch ngày hôm qua.

Nhưng bắt đầu từ nửa sau phiên giao dịch, một số cổ phiếu blue-chips bất ngờ hồi phục khá ấn tượng, lệnh đặt mua cũng theo xu hướng đó tăng lên khá nhanh, Vn-Index cũng tạm thời chặn được đà giảm mạnh.

Cổ phiếu vốn hoá lớn nhất sàn là VNM bất ngờ tăng trần đồng thời HPG với báo cáo kết quả kinh doanh quý I đã hoàn thành hơn nửa kế hoạch đã đưa cổ phiếu này tăng ngay trở lại sau đó và cũng nhanh chóng đạt mức trần.

Diễn biến khá tốt ở 2 mã này đã kéo giao dịch tăng trở lại, nhiều cổ phiếu khác cũng tăng nhẹ trở lại giúp chỉ số Vn-Index kết thúc phiên giao dịch chỉ còn giảm 6,12 điểm (tương đương giảm 1,92%) xuống mức 312,77 điểm.

Giao dịch đã được cải thiện so với phiên trước đó, toàn thị trường có 27,132 triệu đơn vị giao dịch trị giá 720,190 tỷ đồng. Kết thúc phiên, số mã giảm giá vẫn chiếm thế áp đảo với 134 mã trong đó có 92 mã giảm sàn, 35 mã tăng giá với 15 mã tăng trần, còn lại là 12 mã đứng mức tham chiếu.

Nhóm 10 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất sàn, đầu phiên đều giảm giá sàn nhưng kết thúc phiên ngoài VNM và HPG có mức tăng giá trần ấn tượng, PVF cũng tăng nhẹ trở lại và PPC trở về được mức giá tham chiếu.

Trong nhóm này HAG, STB, SSI, PVD vẫn tiếp tục có phiên giảm điểm, đây chính là lực cản của thị trường trong phiên giao dịch sáng nay.

Trong nhóm cổ phiếu tăng giá phiên này, đáng chú ý là mã PNJ của Vàng bạc Đá Quý Phú Nhuận, cổ phiếu này đã có duy trì được mức tăng trần từ đầu phiên cho đến tận cuối phiên, mã này tăng trần 2.500 đồng lên 52.500 đồng/CP. Một số mã tăng trần khác như TRA, KSH, KHP, TCT.

Về khối lượng giao dịch, SAM phiên này bất ngờ tăng mạnh và đứng đầu với 3,66 triệu cp, tiếp theo là STB với 2,41 triệu cp, FPT với 1,81 triệu cp...

Kết thúc phiên hôm nay, HaSTC-Index cũng có phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp khi mất đi 5,61 điểm (- 4,82%) xuống còn 110,73 điểm.

Trong khoảng 45 phút đầu giao dịch, do hầu hết các cổ phiếu lớn đều đo sàn nên HaSTC-Index đã giảm mạnh xuống sát mức 109 điểm. Toàn thị trường có 54 mã đóng cửa ở mức giá sàn và 12 mã đóng cửa ở mức trần.

Sau đó, diễn biến thị trường có chút khả quan hơn khi nhiều cổ phiếu đã không còn giảm mạnh như lúc đầu giờ. Trong khoảng 1 giờ trước khi đóng cửa thị trường, HaSTC dao động nhẹ trong khoảng từ 110 đến 111 điểm.

Ngoại trừ SHB, hầu hết các cổ phiếu chủ chốt khác đều giảm sàn trong toàn bộ thời gian giao dịch như ACB (- 2.600 đồng), KBC (- 3.200 đồng), PVI (- 2.000 đồng)… Nhiều cổ phiếu khác cũng đóng cửa ở giá sàn như BVS, KLS, VCG…

Tân binh SHB gây bất ngờ khi tăng trần lên 15.400 đồng với 833.000 đơn vị được chuyển nhượng. Hai cổ phiếu xi măng BCC và BTS cũng đóng cửa mức giá trần dù đã có lúc rơi xuống giá sàn.

Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 14,86 triệu đơn vị, trị giá 375 tỷ đồng. ACB chiếm phần lớn lượng giao dịch với 4,07 triệu đơn vị, trị giá 142 tỷ đồng.

Hôm nay, CTCP Xây dựng Sông Hồng (PV Incomex) có phiên giao dịch đầu tiên với mã chứng khoán ICG. Trong phiên đã có 40.800 đơn vị được chuyển nhượng với giá bình quân 13.000 đồng.

Thanh Tú - Quốc Thắng