1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đại biểu Quốc hội:

Lời xin lỗi “không thể chấp nhận được” sau sự cố “nước bẩn” nghiêm trọng nhất lịch sử

(Dân trí) - Về việc công ty Sông Đà gửi lời xin lỗi và miễn phí người dân 1 tháng sử dụng nước, Đại biểu Dương Trương Quốc cho rằng đó là lời xin lỗi “vô nghĩa”, còn Đại biểu đoàn Hà Nội nhìn nhận “lời xin lỗi muộn màng và mức bồi thường không thể chấp nhận được.”.

Chiều nay (25/10), bên hành lang Quốc hội, các Đại biểu đã có nhiều chia sẻ về việc Công ty nước sạch Sông Đà xin lỗi và miễn phí 1 tháng sử dụng nước sau sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử, gây bức xúc dư luận xã hội. 

Lời xin lỗi vô nghĩa 

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng: “Tôi nghĩ đó là lời xin lỗi vô nghĩa. Cứ xử lý theo luật, xử lý đến nơi đến chốn, phải răn đe. Nếu chúng ta còn để nhờn thì còn phải gánh chịu những hậu quả lớn hơn nữa. Cho ra tòa xử đúng luật, sẽ có sự tính toán.”.

Lời xin lỗi “không thể chấp nhận được” sau sự cố “nước bẩn” nghiêm trọng nhất lịch sử - 1
Đại biểu Dương Trung Quốc

Theo vị đại biểu này, với sự cố nước sạch sông Đà trong “cái rủi có cái may”. Từ sự cố này chúng ta mới phát hiện ra điều cực kỳ nguy hiểm là các cơ quan quản lý nhà nước không quan tâm nhiều đến sự an toàn của người dân. 

“Chúng ta có thể lên án, kết án những người làm sai như ở công ty Sông Đà, nhưng không thể không nhắc đến trách nhiệm của những cơ quan, các lãnh đạo liên quan. Nếu như đây không phải là dầu thải mà là chất độc hại hơn thì sao? Không phải là sự vô thức mà là âm mưu, ý đồ thì cái gì sẽ xảy ra? Thế nên tôi nói trong cái rủi có cái may là ở chỗ đó.” - ông Dương Trung Quốc phân tích.

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng cho rằng sự cố đã cảnh tỉnh việc “đừng nhân danh xã hội hóa”, cần có những dịch vụ công liên quan đến sự an nguy về sức khỏe, tính mạng của người dân, không phải nhà nước “buông xuôi” cả. “Xã hội hóa là đúng, nhưng có những cái về nguyên tắc không xã hội hóa được.” - ông Quốc nhấn mạnh. 

Bức xúc về việc công ty Sông Đà xin lỗi, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho hay: “Lời xin lỗi muộn màng và mức bồi thường đó là không thể chấp nhận được. Lời xin lỗi vừa đưa ra trong một thông cáo, trong khi 2 buổi họp báo trực tiếp trước đó thì không có 1 lời xin lỗi nào. Đó là thiếu nghiêm túc, rất không nghiêm túc trước một sai sót chứ không muốn nói là tội rất nghiệm trọng trước nhân dân.”.  

Lời xin lỗi “không thể chấp nhận được” sau sự cố “nước bẩn” nghiêm trọng nhất lịch sử - 2
Đại biểu Nguyễn Anh Trí

Đánh giá về chất lượng nước sạch với tư cách là nhà khoa học trong lĩnh vực y khoa, Đại biểu Nguyễn Anh Trí thẳng thắn: Có những chỉ số nước chỉ số mang tính chất chỉ điểm. Trong nước có thể có 20-30 loại vi khuẩn, nhưng người ta chỉ dùng 1 chỉ số chỉ điểm. Cho nên, điều quan trọng nhất là nguồn gốc nước đầu vào phải an toàn.

“Lâu nay tôi cứ nghĩ nguồn nước lấy từ giữa lòng hồ Sông Đà, nhưng không ngờ lại lấy nước từ hồ Đồng Bài mà xung quanh thì an ninh an toàn không có. Vừa rồi xảy ra vụ đổ dầu rất ác nhưng cũng có cái hay là nó lộ ra việc lấy nguồn nước nào cung cấp cho dân. Nếu họ vứt xác 20 con thú vật hoặc những chất độc khác mà trong chỉ tiêu đánh giá không có thì vô cùng nguy hiểm.” - đại biểu đoàn Hà Nội bức xúc về nguồn nước cung cấp.

Sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử

Trao đổi với PV Dân trí về việc xin lỗi và bồi thường 1 tháng dùng nước của công ty Sông Đà, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho hay: “Đền bù là tốt nhưng người dân đã phải gánh chịu thiệt hại rất nặng nề và kéo dài.”.

Lời xin lỗi “không thể chấp nhận được” sau sự cố “nước bẩn” nghiêm trọng nhất lịch sử - 3
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (ảnh: HNM)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội hoan nghênh Công ty nước sạch Sông Đà về động thái xin lỗi người dân sau sự cố vừa qua, tuy nhiên ông cho rằng phải giám sát chặt chẽ và rút kinh nghiệm sâu sắc để không tái diễn sự việc tương tự. 

Về mức bồi thường, ông Bùi Sỹ lợi cho rằng: “Bồi thường bao nhiêu cũng là không đủ so với những thiệt hại mà người người dân phải gánh chịu, đặc biệt về sức khỏe thì càng không bao giờ bù đắp được, nhưng có còn hơn không.”.

Bình luận về động thái xin lỗi như ép buộc của công ty Sông Đà, ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm: Tất cả những sự việc xảy ra đều phải xin lỗi người dân, kể cả đó là nguyên nhân hoàn toàn khách quan. Điều đó thể hiện trách nhiệm, thiện chí của doanh nghiệp với người dân, chứ không phải để đến khi có nhiều áp lực thì mới xin lỗi.

Đề cập tới hành lang pháp lý qua sự việc này, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nhấn mạnh: “Chúng ta thấy hành lang pháp lý chưa chặt chẽ, quy định về cấp nước sạch cho người dân còn nhiều khe hở”. 

Lời xin lỗi “không thể chấp nhận được” sau sự cố “nước bẩn” nghiêm trọng nhất lịch sử - 4
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế chỉ rõ: Công ty nước sạch Sông Đà ở Hoà Bình nhưng lại cung cấp nước cho Hà Nội, trong khi thẩm quyền của chính quyền Hà Nội đối với khu vực đó lại không có. Sau sự việc, chính quyền hai địa phương đã ngồi lại với nhau để đánh giá, nhìn nhận và rút kinh nghiệm.

Nói về lời xin lỗi muộn màng và sự bồi thường của công ty Sông Đà, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết: “Lần đầu tiên trong lịch sử cấp nước của Việt Nam xảy ra sự cố nghiêm trọng như vậy. Đây là rủi ro không mong muốn, để nói về sự thoả đáng thì khó, nhưng nên cùng chia sẻ."

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh: Sự việc vừa qua là một bài học, các cơ quan chức năng phải rà soát lại hệ thống văn bản pháp quy để giám sát chất lượng nước tốt hơn và người dân được cung cấp dịch vụ tốt hơn.

Châu Như Quỳnh