1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lọc dầu Dung Quất được định giá 3,2 tỷ USD trước IPO

(Dân trí) - Giá trị doanh nghiệp của BSR tại thời điểm ngày 31/12/2015 là 72.880 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,2 tỷ USD. Trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 44.934 tỷ đồng.


Trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 44.934 tỷ đồng, tương đương khoảng 2 tỷ USD.

Trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 44.934 tỷ đồng, tương đương khoảng 2 tỷ USD.

Ngày 31/5/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 1938/QĐ-BCT về việc xác định giá trị Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành và quản lý nhà máy Lọc dầu Dung Quất, trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để cổ phần hóa.

Theo đó, giá trị doanh nghiệp của BSR tại thời điểm ngày 31/12/2015 là 72.880 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,2 tỷ USD. Trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 44.934 tỷ đồng.

Việc xác định giá trị doanh nghiệp là căn cứ để Công ty TNHH một thành viên Lọc Hóa dầu Bình Sơn thực hiện các công việc tiếp theo để cổ phần hóa. Đây là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa.

Trước đó, ngày 6/11/2015, Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ra Quyết định cổ phần hóa Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Việc triển khai cổ phần hóa Công ty BSR là thực hiện chủ trương của Chính phủ.

Theo báo cáo từ BSR, sản lượng sản xuất của BSR từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến 5 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 47 triệu tấn với tổng doanh thu gần 40 tỷ USD. Trong đó, số tiền nộp ngân sách Nhà nước trên 7 tỷ USD, gấp đôi tổng mức đầu tư 3 tỷ USD ban đầu.

Trong 3 tháng đầu năm 2017, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư của chủ sở hữu (ROE) đạt 8,67 %; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu (ROA) đạt 4,81 %. Hệ số bảo toàn vốn là 1,091.

Dự kiến BSR sẽ IPO trong quý IV năm nay và sẽ chào bán khoảng 5 – 6% cổ phần, còn lại chào bán cho các nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược để tiếp tục đầu tư phát triển phân khúc hóa dầu và chế biến sâu. Song song với đó, BSR cũng tìm đối tác chiến lược phát triển hoá dầu mua trên 36%.

Trao đổi với báo chí mới đây, lãnh đạo BSR cho biết, là công ty có quy mô vốn lớn nên việc thực hiện chào bán cổ phiếu của BSR sẽ chia làm hai giai đoạn. Cụ thể, BSR sẽ tiến hành chuyển đổi thành công ty cổ phần và thực hiện chào bán cho cán bộ, nhân viên và IPO, hoàn thành trong năm 2017. Tiếp đến công ty sẽ hoàn tất việc chào bán cho nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược trong vòng 12 tháng, kể từ khi BSR trở thành công ty cổ phần.

Lãnh đạo đơn vị vận hành nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng cho biết thêm rằng, thời điểm này, BSR mới cổ phần hoá thì đã muộn và điều kiện khó khăn hơn rất nhiều so với thời điểm "hoàng kim" của ngành dầu khí nhưng "không thể không làm".

Phương Dung