1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tiêu điểm kinh tế trong tuần:

Lô nhôm Trung Quốc 4,3 tỷ USD “đội lốt” hàng Việt chờ xuất đi Mỹ gây chấn động

(Dân trí) - Tuần qua, thông tin về lô nhôm Trung Quốc trị giá 4,3 tỷ USD “đội lốt” hàng Việt để chờ xuất sang Mỹ trị giá tới 4,3 tỷ USD đã gây chấn động dư luận. Về cách thức xử lý ra sao, có cho phép được tiêu thụ tại Việt Nam hay không đang được cơ quan chức năng xem xét.

Chấn động: Bắt lượng nhôm Trung Quốc trị giá 4,3 tỷ USD “đội lốt” hàng Việt chờ xuất sang Mỹ

Lô nhôm Trung Quốc 4,3 tỷ USD “đội lốt” hàng Việt chờ xuất đi Mỹ gây chấn động - 1

Số nhôm trị giá hàng tỷ USD đang được lưu giữ tại Việt Nam

Phát biểu tại cuộc họp liên ngành với các cơ quan chức năng ngày 28/10, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn - Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: “Tổng cục Hải quan đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn vụ việc có nguy cơ gian lận xuất xứ lớn nhất từ trước đến nay. Đó là vụ việc có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với mặt hàng nhôm tại Bà Rịa-Vũng Tàu ”.

Vụ việc do một tập đoàn có công nghệ, dây chuyền, nhưng lại nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm nhằm đưa ra các sản phẩm để xuất khẩu đi Mỹ và một số nước khác, bởi do chênh lệch thuế suất. Nếu nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, nhưng nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%.

Chính vì được hưởng lợi thuế cao nên theo ông Cẩn thời gian qua có các doanh nghiệp ở khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu nhập khẩu hàng tỷ USD mặt hàng nhôm.

Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan khác kiểm tra, xác định và ngăn chặn kịp thời. 

Đáng lưu ý, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Hải quan Mỹ xác minh về vụ việc nêu trên. Các đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã đến Việt Nam để phối hợp điều tra.

Tổng số nhôm hiện tồn kho hiện có giá trị khoảng 4,3 tỷ USD, trong đó chờ xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ và có thêm một vài thị trường khác.

Công ty nào đứng sau số nhôm Trung Quốc 4,3 tỷ USD đội lốt hàng Việt Nam chờ xuất đi Mỹ?

Theo tiết lộ của Hải quan cũng như báo giới Mỹ, công ty có liên quan trực tiếp đến số nhôm Trung Quốc có giá trị khoảng 4,3 tỷ USD đội lốt hàng Việt Nam xuất đi Mỹ là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhôm Toàn Cầu, có trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cuối năm 2016, báo Mỹ là The Wall Street Journal đã có cuộc điều tra về số nhôm nói trên và xác định đứng đằng sau dự án trên là Tập đoàn lớn về nhôm của Trung Quốc có tên là China Zhongwang .

Đây là công ty do tỷ phú nhôm Trung Quốc Liu Zhongtian đứng sau. Tại Việt Nam, theo điều tra của The Wall Street Journal, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu do hai người mang quốc tịch Úc (gốc Trung Quốc) là ông Jacky Cheung và ông Wang Tong góp vốn làm chủ đầu tư.

Tổng cục Hải quan: Asanzo nội địa hoá, lắp ráp tivi bằng cách bắt vít

Lô nhôm Trung Quốc 4,3 tỷ USD “đội lốt” hàng Việt chờ xuất đi Mỹ gây chấn động - 2

Lắp ráp nhiều sản phẩm của Asanzo không như quảng cáo

Còn về Công ty Asanzo - doanh nghiệp đang được quan tâm thời gian qua về nghi án “hàng Trung Quốc đội lốt”, không giống với cách giới thiệu “Đỉnh cao thương hiệu Nhật Bản” mà Asanzo quảng cáo cho các sản phẩm của mình, công ty này vừa bị cơ quan hải quan kết luận là lắp ráp một số sản phẩm (trong đó có tivi, điều hoà nhiệt độ, bình đun nước) không đúng như quảng cáo.

Cụ thể, quy trình lắp ráp tivi, Asanzo có 12 bàn với chiều dài khoảng 30m, rộng 1,5m, (diện tích 45 m2), mỗi bàn để vừa 01 cái tivi 50 inch, 01 phòng test (thử) bảng mạch với 08 máy tính và 08 người làm việc, việc lắp ráp được thực hiện thủ công bằng cách bắt vít, không lắp cấu hình chính. 

Cùng một dãy bàn vừa lắp tivi, vừa lắp điều hòa nhiệt độ. Lắp 1 cái tivi cần 12 người và 30 người phụ trợ với thời gian lắp là 25 phút. Sau khi lắp xong được đóng vào các bao bì mang nhãn hiệu Asanzo hình, in ngôn ngữ tiếng Việt, mã số mã vạch, xuất xứ Việt Nam, sau đó xuất bán cho 19 công ty khác để đưa ra thị trường nội địa.

Đối chiếu với video quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng có hình ảnh dây chuyền, lắp ráp tivi bằng máy móc, thiết bị hiện đại với thực tế tại cơ sở sản xuất cho thấy thực tế hoạt động lắp ráp không đúng như quảng cáo.

Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan nói: "Vấn đề sử dụng cụm từ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” trong hoạt động quảng bá và in trên các sản phẩm, thì chúng tôi đã tiến hành xác minh với các cơ quan và các đối tác ở nước ngoài và cũng làm việc với công ty Shap tại Việt Nam thì cũng đã khẳng định hợp đồng về chuyển giao công nghệ với Shap-Roxy Hồng Kông là hợp đồng giả mạo".

Tập đoàn Trung Quốc muốn đầu tư vào Vũng Áng, nhiều chuyên gia đề nghị cân nhắc

Lô nhôm Trung Quốc 4,3 tỷ USD “đội lốt” hàng Việt chờ xuất đi Mỹ gây chấn động - 3

Các tàu thuyền lớn bốc dỡ hàng hóa tại cảng Vũng Áng

Tập đoàn Cảng Hạ Môn (Trung Quốc) vừa có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, bày tỏ mong muốn mở tuyến container cảng Vũng Áng - cảng Hạ Môn và đầu tư cảng biển tại Vũng Áng .

Trao đổi trên báo chí, các ý kiến đều bày tỏ hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là đầu tư phát triển logistics.

Theo GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân), nếu Tập đoàn Cảng Hạ Môn vào đầu tư cảng biển và mở tuyến container ở Hà Tĩnh thì các nhà quản lý cần tính toán một cách chặt chẽ, đảm bảo hai bên cùng có lợi.

Ông lưu ý, khu kinh tế Vũng Áng đã có dự án thép Formosa do nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư, nếu các nhà đầu tư Trung Quốc cùng dồn vào một chỗ như vậy thì ngoài khía cạnh kinh tế cần xem xét thận trọng, nhất là khi Vũng Áng là nơi có vị trí chiến lược.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển lưu ý, phải thống nhất quan điểm: không đánh đổi kinh tế với môi trường, an ninh quốc gia. Đây chính là điểm mà phía Việt Nam cần tính toán đầy đủ, toàn diện.

 Chuyên gia: "Giảm giờ làm thêm chỉ khuyến khích cho sự lười biếng"

Về vấn đề chính sách, những ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Lao động đang được nhiều chuyên gia quan tâm.

“Nếu như giờ làm giảm, giảm cả giờ làm thêm thì chỉ bảo vệ những người lao động lười biếng và khuyến khích sự lười biếng nhiều hơn chứ không tăng phúc lợi cho người dân và người lao động” - Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhận định.

Theo ông Cung, chúng ta phải khuyến khích sự chăm chỉ, năng động, sáng tạo thì mới tạo ra giá trị gia tăng cho họ, tăng được thu nhập cho người lao động và tăng được sự cạnh tranh, thịnh vượng của một quốc gia.

Tiến sĩ Cung nhấn mạnh: "Người giàu cũng rất chăm chỉ, chứ không chỉ người nghèo, nhưng nghèo thì phải chăm chỉ hơn thì mới giàu có được".

Góp ý cho dự thảo Bộ Luật Lao động, chuyên gia độc lập Đỗ Cao Bảo cũng nêu quan điểm: “Không muốn lao động mà muốn giàu có, muốn giàu có lại muốn ít làm, muốn ít làm lại đòi cuộc sống cao, làm gì có chuyện đó được”.

Theo ông Bảo, làm thêm giờ là quyền của người lao động chứ không phải nghĩa vụ. Ông này cho rằng: Có nhiều người thích làm thêm, ngoài ra còn có những người muốn làm thêm vì nhu cầu kinh tế.

Tăng trưởng “ước mơ" 26 năm, thu nhập người Việt mới vượt Hàn Quốc, Trung Quốc

Lô nhôm Trung Quốc 4,3 tỷ USD “đội lốt” hàng Việt chờ xuất đi Mỹ gây chấn động - 4

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Tại Hội thảo "Động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam" được tổ chức tại Hà Nội ngày 30/10, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã đưa ra 4 kịch bản cho tăng trưởng của Việt Nam.

Kịch bản thông thường, duy trì mức tăng trưởng GDP hiện tại là khoảng 6%/năm, GDP bình quân trên người tính theo sức mua tương đương giữa các đồng tiền là hơn 14.900 USD/người/năm bằng với Hàn Quốc năm 1994, Malaysia năm 1995 và Trung Quốc năm 2017.

Nếu tăng trưởng này, kịch bản năm 2045, GDP/người của Việt Nam chỉ là hơn 31.500 USD/người, bằng với Hàn Quốc năm 2011, Malaysia năm 2022 và Trung Quốc năm 2030.

Còn với kịch bản thứ 4, kịch bản mơ ước của Việt Nam là GDP tăng liên tục 9 - 10%/năm, năm 2030, GDP/người của Việt Nam sẽ đạt hơn 22.200 USD bằng với GDP 2002, Malaysia năm 2012, Trung Quốc năm 2024.

Với mức tăng trưởng mơ ước như này, GDP /người của Việt Nam năm 2045 sẽ đạt hơn 75.500 USD (1,7 tỷ đồng)/năm vượt qua Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc tại thời điểm đó.

Bộ Giao thông dừng nhiều dự án BOT, di dời trạm thu phí đặt “nhầm chỗ”

Tuần qua, báo cáo tới Quốc hội về lĩnh vực đầu tư BOT giao thông, Bộ GTVT tiếp tục khẳng định chủ trương kêu gọi vốn tư nhân cho đầu tư hạ tầng giao thông là cần thiết, đúng đắn, thực tế triển khai đã đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, Bộ này cũng thừa nhận quá trình thực hiện các dự án BOT giao thông còn những hạn chế, vướng mắc, bất cập.

Sau khi rà soát lại toàn bộ các dự án đã, đang và sắp triển khai theo hình thức BOT, Bộ GTVT đã dừng 4 dự án đã ký hợp đồng và đang triển khai; dừng 8 dự án đường bộ đã phê duyệt đề xuất, hoặc đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Hiện tại, chỉ triển khai kêu gọi đầu tư BOT vào 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020.

Về trạm thu phí BOT, Bộ GTVT thừa nhận vẫn còn một số trạm thu phí có tính chất đặc thù, còn gặp khó khăn, vướng mắc. Bộ này đã báo cáo, Chính phủ cũng họp và chỉ đạo xử lý.

Ví dụ, đối với trạm thu phí đặt “nhầm chỗ” Bắc Thăng Long - Nội Bài (thu phí cho tuyến tránh Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Chính phủ giao Bộ GTVT kiểm tra, đánh giá toàn diện, không để xảy ra thất thoát, tham nhũng. Bộ GTVT đang triển khai cho các đơn vị liên quan thực hiện.

Mai Chi (tổng hợp)