1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lộ diện những doanh nghiệp lớn nhất thế giới năm 2014

(Dân trí) - Tạp chí Forbes mới đây đã công bố bản danh sách 2000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới 2014. Năm nay có 2 đại diện của Việt Nam là PVGas và Vietinbank có mặt trong bảng xếp hạng này. Trong khi đó các doanh nghiệp Trung Quốc áp đảo tốp đầu bảng xếp hạng.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Bản danh sách Forbes Global 2000 được tạp chí Forbes công bố dựa trên 4 tiêu chí gồm: doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị thị trường của các công ty được khảo sát. Các tiêu chí này được tính trọng số ngang nhau.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Những công ty lớn nhất thế giới: Thế kỷ của Trung Quốc?

Trong năm nay, các công ty lọt vào danh sách này đến từ 62 quốc gia, tăng mạnh so với con số 46 quốc gia khi việc xếp hạng lần đầu được thực hiện năm 2003. Tổng cộng, 2000 công ty này đem về doanh thu tới 38.000 tỷ USD và lợi nhuận 3000 tỷ USD trong năm qua. Tổng giá trị tài sản của các “ông lớn” này lên tới 161.000 tỷ USD, với giá trị vốn hóa thị trường 44.000 tỷ USD.

Tất cả các chỉ số này đều cao hơn so với năm ngoái, trong đó giá trị thị trường có mức tăng mạnh nhất, 13%. Số lượng lao động các công ty này tuyển dụng lên tới 90 triệu người.

Trong danh sách năm nay, Việt Nam có 2 đại diện góp mặt là Tổng công ty Khí (PVGas) và Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank). Dù có tổng tài sản chưa bằng 1/10 Vietinbank (2,4 tỷ USD so với 27,3 tỷ USD), nhưng PVGas lại được xếp hạng 1651, cao hơn hẳn hạng 1854 của “đại gia” ngành ngân hàng do có các chỉ số doanh thu, lợi nhuận và giá trị vốn hóa cao hơn.

Trong khi đó ở phía đầu bảng xếp hạng, Trung Quốc lần đầu tiên có các đại diện chiếm lĩnh cả 3 vị trí cao nhất. Đây đều là các ngân hàng quốc doanh của nước này, gồm ngân hàng công thương (ICBC), ngân hàng xây dựng (CCB) và ngân hàng nông nghiệp (ABC). Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp ICBC nắm giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng. Trong Top 10 còn có 2 đại diện của Trung Quốc khác là ngân hàng Bank of China (hạng 9) và tập đoàn dầu khí PetroChina (hạng 10).

Giữa lúc các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về quy mô, đối thủ nặng ký nhất của họ là các doanh nghiệp Mỹ đã có sự thụt lùi, mà điển hình là doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ, ngân hàng JP Morgan Chase đã bị mất vị trí thứ 3 vào tay ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc, chấp nhận lùi xuống hạng 4. Bù lại, hai tập đoàn tài chính của Mỹ khác là Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett, và ngân hàng Wells Fargo cùng thăng tiến 4 bậc để lần lượt chiếm các vị trí thứ 5 và 9.

Dù vậy, xét trên phạm vi toàn danh sách 2000 doanh nghiệp, Mỹ vẫn là nước có nhiều đại diện nhất với 564 gương mặt, tiếp đó là Nhật Bản (225 công ty) và Trung Quốc (207 công ty). Năm qua, Nhật đã mất 26 đại diện trong khi Trung Quốc đại lục và Hong Kong lại có thêm 25 công ty lọt vào danh sách.

Xét về khu vực địa lý, châu Á với 674 đại diện dễ dàng qua mặt Bắc Mỹ (629 đại diện) và châu Âu (506 đại diện). Đây là một sự thay đổi lớn so với 11 năm trước, khi số lượng công ty đến từ Bắc Mỹ từng nhiều hơn châu Á tới hơn 50%. Các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Đông, Trung và Nam Mỹ cũng tăng trưởng mạnh trong thập niên qua với mức tăng trưởng lần lượt 265% và 76%.

Trong khi đó, xét riêng về từng chỉ số trong bảng xếp hạng, Apple một lần nữa là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới khi đạt 483,1 tỷ USD, dù chỉ xếp hạng 15 chung cuộc. Tập đoàn siêu thị Wal-Mart Stores dẫn đầu thế giới về doanh thu với 476,5 tỷ USD, dù lợi nhuận đã giảm mạnh.

Fannie Mae, tập đoàn tài trợ mua nhà của chính phủ Mỹ, là công ty có con số lợi nhuận tuyệt đối cao nhất, khi thu lời 84 tỷ USD. Tập đoàn này cũng giữ ngôi quán quân về tổng tài sản với quy mô 3.270,1 tỷ USD.

Xét về quy mô theo từng ngành, không quá bất ngờ khi tài chính ngân hàng vẫn là nhóm ngành có nhiều đại diện nhất khi đóng góp 467 thành viên, nhờ quy mô doanh thu và tổng tài sản vượt trội. 3 ngành lớn tiếp theo là dầu khí (125 công ty), bảo hiểm (114 công ty) và tiện ích (110 công ty).

Dù vậy, về mức độ tăng trưởng doanh thu thì ngành công nghiệp bán dẫn mới là những người đang ăn nên làm ra nhất thế giới khi doanh số tăng 11% so với năm trước.

Thanh Tùng
Theo Forbes
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước