1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lộ diện nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines

(Dân trí) - Lần đầu tiên sau Cổ phần hóa, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) hé lộ thông tin về nhà đầu tư chiến lược đến từ Nhật Bản. Hiện Vietnam Airlines đang triển khai thành lập các nhóm đàm phán và xây dựng kế hoạch đàm phán chi tiết với nhà đầu tư chiến lược tiềm năng.

Nhà đầu tư chiến lược đến từ Nhật Bản

Ông Phạm Viết Thanh - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines - đã cho biết như vậy trong buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải chiều 23/9.

Theo ông Thanh, đây là một nhà đầu tư tiềm năng của Nhật Bản. Họ đã thể hiện sự quan tâm rất nhiều tới Vietnam Airlines và gửi thư xác nhận mong muốn đàm đàm phán, ký hợp đồng trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines.

“Vietnam Airlines đang triển khai thành lập các nhóm đàm phán và xây dựng kế hoạch đàm phán chi tiết với nhà đầu tư chiến lược tiềm năng”, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho hay.

Nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlins đến từ Nhật Bản
Nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlins đến từ Nhật Bản

Liên quan đến vấn đề thoái vốn, ông Thanh cho biết, tính đến 15/9, Vietnam Airlines đã thoái vốn được 11/15 danh mục. Tính trên tỷ lệ vốn đầu tư thực tế thì Tổng công ty đã thoái được hơn 326 tỷ đồng, chiếm hơn 75% tổng số vốn cần phải thoái. Tổng số tiền thu được là hơn 609 tỷ đồng, chênh lệch tăng so với tổng giá trị vốn đầu tư thực tế tại 11 doanh nghiệp này hơn 282 tỷ đồng.

Hiện 4 danh mục còn lại Vietnam Airlines chưa thoái vốn là Công ty Nhựa cao cấp hàng không, CTCP Khách sạn Hàng không, CTCP Đầu tư Hàng không và CTCP Bưu chính Viễn thông Sài Gòn. Vietnam Airlines cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành thoái vốn theo đúng lộ trình.

“Đội” chi phí vì quá tải hạ tầng

Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines ông Phạm Ngọc Minh cho biết, hạ tầng sân bay Việt Nam không đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng khai thác của hãng hàng không.

Theo ông Minh, các sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng đều quá tải và đang đối mặt với tình trạng tắc nghẽn cả trên không và mặt đất. Các sân bay chính đang bị hạn chế về số lượng vị trí đỗ máy bay dẫn đến hạn chế năng lực tiếp thu; Hạn chế sức chịu tải của đường hạ cất cánh, đường lăn sân đỗ đối với máy bay Airbus 350 và Boeing 787-9.

“Giờ bay trung bình ở các chuyến bay đo đếm được, cũng như thời gian lăn chờ bị kéo dài so với trước đây đã khiến chi phí của chúng tôi bị lên khoảng 1% so với tổng chi phí. Tức là, với tổng chi phí khoảng 60 nghìn tỷ thì Vietnam Airlines bị đội chi phí khoảng 600 tỷ mỗi năm” - ông Minh thông tin.

Ngoài ra, các hãng hàng không đang gặp phải những khó khăn xuất phát từ việc hệ thống dự báo khí tượng tại các cảng hàng không còn lạc hậu. Thời gian qua, do biến đổi khí hậu bất thường trong khi dự báo khí tượng không theo kịp nên tỷ lệ chuyến bay phải đi sân bay dự bị có chiều hướng tăng so với năm trước.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, quan điểm là tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển, tuy nhiên hạ tần đang là vấn đề lớn hiện nay của hàng không. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát lại các vướng mắc trong đầu tư cảng hàng không, sân bay tại các dự án đang triển khai để kịp thời gỡ điểm nghẽn về hạ tầng, đặc biệt là các sân bay lớn.

Châu Như Quỳnh

 

Lộ diện nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines - 2