1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Lấy phiếu tín nhiệm: Tướng ngành ngân hàng và giao thông "ngược dòng"?

(Dân trí) - “Ngành ngân hàng và giao thông vận tải vốn trước đây nhận phiếu tín nhiệm khá thấp, trong kỳ này có thể sẽ được đánh giá cao”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay.

Ngày 15/11 tới, Quốc hội sẽ biểu quyết danh sách những người được tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, với 3 mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Đây là lần thứ 2, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận tại kỳ họp Quốc hội này.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá: Việc lấy phiếu tín nhiệm có tác dụng rõ rệt, bước đầu đã giúp tạo ra những chuyển biến mạnh trong công tác điều hành, quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Đơn thư khiếu nại, tố cáo “tìm đến” Thanh tra Chính phủ tăng hơn 15% trong tháng 10
* Phó đoàn ĐBQH TP Cần Thơ can thiệp hoãn thi hành cưỡng chế?

* “Sự cố” Ocean Bank không làm khó thanh khoản hệ thống

* Ngành điện được “rót” 500 triệu USD từ vốn vay World Bank

* Mã lớn giảm điểm, VN-Index “đỏ vỏ xanh lòng”

* Người Việt “quán quân” về tiết kiệm ở Đông Nam Á

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ mang tính hình thức, nên bỏ. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi nghĩ rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm nên duy trì bởi vì cái này cũng là một chế định không phải là mới, nhưng mình cũng mới thực hiện nhưng đã thấy vai trò, tác dụng của nó khá tốt, nên duy trì.

Nhìn lại lần lấy phiếu đầu tiên đối với một số ngành, khi đó, một số bộ trưởng chưa được đánh giá cao, số phiếu tín nhiệm thấp còn tương đối cao, thì nay đã có rất nhiều chuyển biến.

Những ngành nào mà ông nhận định là sẽ được đánh giá cao trong lần bỏ phiếu tín nhiệm này?

Theo tôi thì ngành ngân hàng và giao thông vận tải, vốn trước đây nhận phiếu tín nhiệm khá thấp, trong kỳ này có thể sẽ được đánh giá cao.

Có rất nhiều nội dung có thể đánh giá được là ngành ngân hàng, ngành giao thông vận tải đã có những chuyển biến rõ rệt.

Như chúng ta còn nhớ, vào đầu nhiệm kỳ của Quốc hội, ngành ngân hàng có thể nói rằng đang đứng trước nguy cơ rất nặng nề, nhiều người lo ngại về sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng. Thời điểm đó có rất nhiều các vụ việc xảy ra, rồi các giải pháp liên quan đến nợ xấu, liên quan đến rất nhiều vấn đề là trách nhiệm của ngành ngân hàng. Nhưng đó là giai đoạn trước, mà nó dẫn sang thời điểm này.

Tuy nhiên, tôi thấy với sự chỉ đạo quyết liệt trong hai ba năm trở lại đây thì nguy cơ đổ vỡ của hệ thống ngân hàng gần như bị loại bỏ, tất cả các vấn đề khác đều đang được giải quyết, ví dụ như vấn đề nợ xấu, lạm phát… Tôi nghĩ nhìn vào đó đã có thể đánh giá được tất cả.

Thứ 2 là đối với ngành giao thông, tôi đánh giá rất cao những giải pháp quyết liệt mà Bộ trưởng Giao thông đặt ra. Tôi không nhìn vào 3 cái chuyện vụn vặt như trảm ông này, trảm ông kia, cái đó là những cái nhỏ, sự vụ thôi.

Tôi nhìn vào những cái lớn mà Bộ trưởng Thăng đã làm được như xử lý xe quá tải, xử lý tại các công trình trọng điểm, như Quốc lộ 1A, hay sự cố đường cao tốc, rồi những giải pháp khác nữa như là xử lý trong việc chấn chỉnh trong đăng kiểm phương tiện. Tôi nghĩ đấy là điểm sáng. Nó là tiền đề cho việc xây dựng nề nếp trong ngành giao thông vận tải tốt hơn rất nhiều trong thời gian tới.

Ông đánh giá như thế nào về ngành Nội vụ , gần đây có rất nhiều vụ việc liên quan đến việc chạy chức, mua chức, tất cả mới chỉ dừng lại ở dư luận mà chưa có kết luận rõ ràng?

Tôi là người xuất phát từ ngành Nội vụ ra tôi rất hiểu, tất nhiên đó là từ lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành này. Tuy nhiên, tất cả các vụ việc tiêu cực bấy lâu nay, nó là trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, các ngành các cấp. Ví dụ như chuyện chạy chức, ví dụ như việc tiêu cực trong tuyển dụng, hay tiêu cực gì nữa thì đó là trách nhiệm của Thủ trưởng của các cơ quan đó, chứ Bộ Nội vụ không thể nào quán xuyến hết được.

Tôi nói ví dụ, vừa rồi ồ lên cái chuyện bổ nhiệm tràn lan trước khi nghỉ hưu, việc đó thì chính sách, quy trình, điều kiện, thủ tục là do Bộ Nội vụ ban hành nhưng mà các cơ quan có thực hiện đúng quy định hay không, người đứng đầu có tổ chức thực hiện đúng không hay người đứng đầu vụ lợi, bổ nhiệm một cách ồ ạt. Cái đó thì Bộ nội vụ không thể nào kiểm soát hết được. Có chăng là khi tiến hành thanh tra, kiểm tra thấy có những hiện tượng như vậy thì kiến nghị xử lý, xem lại thôi, chứ nếu đổ tại cho Bộ Nội vụ thì không phải.

Ông nhận thấy có dấu hiệu gì vì áp lực của việc lấy phiếu tín nhiệm mà có bộ ngành phải "đối phó" không?

Tôi nhìn ở góc độ rộng hơn. Tất nhiên trong việc lãnh đạo chỉ đạo điều hành khi có vấn đề thì vẫn phải có những giải pháp để xử lý.

Và đôi khi có những sự trùng hợp, vào những thời điểm, kỳ họp Quốc hội thì các bộ trưởng đưa ra giải pháp này, giải pháp khác, đôi khi khiến dư luận cho rằng đó là giải pháp đối phó.

Nhưng mình nên đánh giá việc này ở góc độ là có hiệu quả và kịp thời hay không. Bởi vì có thể vụ việc rất lâu rồi nhưng đến kỳ họp Quốc hội anh mới đưa ra giải pháp thì có thể coi đó là biện pháp đối phó.

Đến thời điểm này, một số đại biểu Quốc hội vẫn cho rằng đang có khá ít thông tin về các đại biểu sẽ được lấy phiếu tín nhiệm, nên khó bỏ phiếu chính xác. Vậy cá nhân ông thì sao?

Nói là có đầy đủ thông tin không thì không ai dám khẳng định, bởi vì báo cáo của bộ trưởng chỉ là một kênh thông tin, dù nó khá quan trọng.

Bên cạnh đó là lĩnh vực công tác của bộ trưởng, mỗi đại biểu có một cách thu thập thông tin cho mình, có cách xử lý thông tin theo cách của mình.

Ví dụ có nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề gì đó thì có chất vấn này với bộ trưởng này, bộ trưởng kia... để xem có hiệu quả hay không, qua đó họ có thể đánh giá. Tôi nghĩ mỗi đại biểu có một cách thu thập thông tin, đánh giá riêng của bản thân mình.

Khi sửa Luật Tổ chức Chính phủ, có ý kiến cho rằng nên quy định trách nhiệm cụ thể với bộ trưởng, như từ chức chẳng hạn, để không còn giải pháp lấy phiếu tín nhiệm nữa...

Xin nhắc lại, theo tôi, việc lấy phiếu tín nhiệm nên duy trì, bởi vì điều này là chế định tuy không phải mới, nhưng mình đã thấy vai trò, tác dụng của nó khá tốt, nên duy trì. Còn tất nhiên, đó không phải là giải pháp duy nhất.

Để nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như hiệu quả trong điều hành quản lý của nhà nước, tất nhiên phụ thuộc rất nhiều vào cố gắng tự thân của các đồng chí trong Chính phủ để từ đó có những giải pháp. Bên cạnh đó, còn liên quan đến trình độ, năng lực, liên quan đến rất nhiều vấn đề khác nữa...

Rất nhiều đại biểu chia sẻ về cơ chế từ chức, rằng nên làm như thế nào đó giúp bộ trưởng ý thức hơn về lãnh đạo, quản lý. Nếu khi xảy ra các vấn đề lớn như ở nước ngoài chẳng hạn thì nên quy trách nhiệm bộ trưởng, chứ không nên xử lý theo kiểu “thí tốt”.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền